Cuộc đua kiểm soát nguồn cung khoáng sản quan trọng

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 18/03/2023 11:34 GMT+7

VTV.vn - Khi thế giới đang ngày càng rời xa nhiên liệu hóa thạch, cuộc chạy đua để giành quyền kiểm soát lithium, cobalt... ngày càng trở nên nóng hơn.

Trung Quốc gia tăng kiểm soát nguồn cung

Khi thế giới đang ngày càng rời xa nhiên liệu hóa thạch, cuộc chạy đua để giành quyền kiểm soát Lithium, Cobalt và nhiều loại khoáng sản quan trọng khác, cũng ngày càng trở nên nóng hơn. Việc chủ động nắm giữ được các nguồn tài nguyên quan trọng này sẽ giúp các nền kinh tế có thêm nhiều lợi thế để vươn lên dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi xanh.

Như với Lithium và Cobalt, những kim loại cực kì quan trọng để làm ra pin xe điện, hiện tập trung nhiều tại châu Phi và Nam Mỹ, Trung Quốc được cho là đang dành được lợi thế trong. Các công ty Trung Quốc đang tạo được dấu ấn lớn tại châu Phi – nơi có nguồn khoáng sản dồi dào. Đáng chú ý là việc các doanh nghiệp khai mỏ Trung Quốc đã đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD vào Zimbabwe trong năm ngoái. Còn tại Nam Mỹ, Chính phủ Bolivia gần đây đã chọn một tập đoàn Trung Quốc để đầu tư hơn 1 tỷ USD vào việc phát triển các mỏ Lithium chưa được khai thác...

Nhờ sự đầu tư mạnh mẽ này, đến năm 2025, Trung Quốc dự kiến sẽ kiểm soát 50% sản lượng Cobalt và 32% sản lượng Lithium toàn cầu. Điều này được đánh giá sẽ giúp các Trung Quốc có lợi thế lớn trong việc sản xuất xe điện.

Cuộc đua kiểm soát nguồn cung khoáng sản quan trọng - Ảnh 1.

Nhờ sự đầu tư mạnh mẽ này, đến năm 2025, Trung Quốc dự kiến sẽ kiểm soát 50% sản lượng Cobalt và 32% sản lượng Lithium toàn cầu (Ảnh minh hoạ)

Theo Công ty tư vấn Ptolemus, trong năm ngoái giá xe điện trung bình tại Trung Quốc đã giảm 50% so với mức của năm 2015. Trong khi giá xe điện tại Mỹ và châu Âu lần lượt ghi nhận mức tăng 12,5% và 17%.

Không những thế, giá xe điện trung bình tại Trung Quốc đã rẻ hơn khoảng 33% so với xe xăng. Còn giá xe điện của Mỹ và châu Âu vẫn đắt hơn đáng kể.

Các chuyên gia cho biết, bên cạnh những yếu tố như sự hỗ trợ của chính phủ, chi phí sản xuất thấp, việc chủ động được nguồn cung nguyên liệu là một yếu tố rất quan trọng giúp hạ giá thành xe điện Trung Quốc, bởi pin xe điện hiện chiếm từ 10 - 25% chi phí của một chiếc xe.

Cuộc đua kiểm soát nguồn cung khoáng sản quan trọng - Ảnh 2.

Và với việc nắm giữ lợi thế như vậy, không có gì khó hiểu khi ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc đang bùng nổ mạnh mẽ. Theo công ty nghiên cứu Canalys, trong năm ngoái, Trung Quốc vẫn là thị trường xe điện lớn nhất thế giới, với 5,9 triệu xe được bán ra, chiếm 59% doanh số toàn cầu, bỏ xa các thị trường châu Âu và Mỹ.

Và không chỉ xe điện, việc mạnh tay đầu tư để sở hữu nguồn cung các khoáng sản quan trọng, cũng sẽ giúp Trung Quốc có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong tiến trình chuyển đổi xanh toàn bộ nền kinh tế.

Sự cạnh tranh từ Mỹ

Với vai trò trọng của Lithium, Cobalt cũng như các loại khoáng sản trong quá trình chuyển đổi xanh, đương nhiên Mỹ cũng không nằm ngoài "cuộc đua" với Trung Quốc. Đa dạng hóa nguồn cung nội địa và mở rộng hợp tác với các nước là hai chiến lược lớn của Mỹ nhằm đảm bảo nguồn cung với các khoáng sản, kim loại quan trọng.

Chính quyền Thổng thống Joe Biden đang sử dụng các Đạo luật như Luật Giảm lạm phát, Đạo luật Quốc phòng lên tới trăm, ngàn tỷ USD để tạo ưu đãi cho doanh nghiệp. Đồng thời Mỹ cũng thúc đẩy xây dựng các dự án khai khoáng mới bằng ưu đãi và rút ngắn thời gian cấp phép. Các cơ chế ưu đãi cũng dành riêng cho các doanh nghiệp sản xuất chất bán dẫn, các công ty xe điện như Tesla, Ford hay GM.

Cuộc đua kiểm soát nguồn cung khoáng sản quan trọng - Ảnh 3.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden dành nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất chất bán dẫn, các công ty xe điện như Tesla, Ford hay GM (Ảnh: AP)

Thêm nữa, Chính phủ Mỹ rót hàng tỷ USD cho nghiên cứu, xử lý, tái chế các khoáng chất kim loại quan trọng như than đá, cũng như áp dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả và giảm chi phí.

Mỹ Latinh và Châu Phi là 2 khu vực quan trọng mà Mỹ đang hướng tới để đảm bảo nguồn cung khoáng sản. Đặc biệt, chính phủ và doanh nghiệp Mỹ đang tìm cách khôi phục lại ảnh hưởng tại Châu Phi, khu vực vốn chiếm tới 30% lượng khoáng sản toàn cầu, nơi mà lâu nay Mỹ đã "bỏ quên", và Trung Quốc đang chiếm ưu thế lớn.

Một loạt các động thái gần đây của Mỹ như tăng cường ngoại giao, ký các biên bản ghi nhớ với các nước Châu Phi, rồi sẵn sàng chi mạnh tay hỗ trợ thêm nguồn vốn cho các nước này. Tất cả đều nhằm mục đích rằng Mỹ muốn giành lại thị trường nguồn cung khoáng sản quan trọng này từ các nước như Trung Quốc.

Chiến lược của EU

Còn châu Âu - nơi mà nguồn cung các khoáng sản quan trọng gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, giờ cũng không thể ngồi yên. Ngày 16/3, Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu (EU) cũng đã công bố kế hoạch để dẫn đầu cuộc cách mạng công nghiệp xanh. Một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong kế hoạch này là vấn đề tiếp cận các loại nguyên liệu thô cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh.

Theo kế hoạch, EU đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030 phải đảm bảo 10% nhu cầu về các loại nguyên liệu thô quan trọng như Lithium, Cobalt, đất hiếm… bằng cách khai thác nội khối. Hoạt động tái chế cũng được kỳ vọng có thể đáp ứng khoảng 15% nhu cầu. Các kế hoạch khai thác hoặc xử lý nguyên liệu thô sẽ được coi là "những dự án chiến lược", và có thể được tạo điều kiện thuận lợi trong cấp phép, hỗ trợ tài chính.

Cuộc đua kiểm soát nguồn cung khoáng sản quan trọng - Ảnh 4.

EU đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030 phải đảm bảo 10% nhu cầu về các loại nguyên liệu thô quan trọng như Lithium, Cobalt, đất hiếm… bằng cách khai thác nội khối (Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters)

Về mặt thương mại, EU sẽ tìm cách mở rộng mạng lưới quan hệ đối tác về nguyên liệu thô và các hiệp định thương mại tự do, chẳng hạn như với Australia, Canada và Chile, đồng thời phát triển một liên minh nguyên liệu thô toàn cầu.

"Điểm mấu chốt là chúng tôi muốn trở thành người dẫn đầu trong các ngành công nghiệp xanh của tương lai. Để thực hiện điều này, chúng tôi cần các nguyên liệu thô quan trọng. Rất rõ ràng là nhu cầu đối với các nguyên liệu thô quan trọng này sẽ tăng lên nhiều lần trong thập kỷ tới", ông Valdis Dombrovskis, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) cho biết.

"Cái bắt tay" Mỹ - EU

Để rút ngắn khoảng cách trong cuộc đua với Trung Quốc, cả Mỹ và EU đã tính đến việc hợp tác với nhau, để tăng cường khả năng cạnh tranh.

Mỹ và EU, nhiều năm qua đã tăng cường hợp tác để đảm bảo nguồn cung các khoáng sản quan trọng như đất hiếm, Lithium hay Cobalt, vốn là các thành phần quan trọng trong nhiều thiết bị công nghệ cao như ô tô, điện thoại. Cụ thể, Mỹ và EU đã nhận thấy sự cần thiết đảm bảo quyền tiếp cận đáng tin cậy đối với các khoáng sản, kim loại quan trọng này đối với nền kinh tế.

Cuối năm 2020, Mỹ và EU đã ký một tuyên bố chung về hợp tác về khoáng sản quan trọng. Gần đây nhất, ngày 10 tháng 3, Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Liên minh Châu Âu đã đồng ý khởi động các cuộc đàm phán về khoáng sản quan trọng sử dụng cho xe điện.

Cùng với hàng loạt các thỏa thuận hợp tác giữa hai bên mang lại triển vọng sẽ tạo một "sân chơi" xuyên Đại Tây Dương bình đẳng và quan trọng hơn là giúp đảm bảo nguồn cung khoáng sản bền vững và đáng tin cậy, cũng như giải được bài toán về gián đoạn nguồn cung, hay giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, vốn đang thống trị chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các khoáng sản này.

Tuy nhiên, những khác biệt về khung pháp lý và chính sách giữa Mỹ và EU sẽ là thách thức không nhỏ cho việc hợp tác trong lĩnh vực này.

Khi thế giới đang ngày càng rời xa nhiên liệu hóa thạch, cuộc chạy đua để giành quyền kiểm soát Lithium, Cobalt và nhiều loại khoáng sản quan trọng khác, cũng ngày càng trở nên nóng hơn. Việc chủ động nắm giữ được các nguồn tài nguyên quan trọng này sẽ giúp các nền kinh tế có thêm nhiều lợi thế để vươn lên dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi xanh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước