Rút ngắn thời gian thông quan
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của nông lâm thuỷ sản của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đạt hơn 12 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ. Với lợi thế về địa lý, nhiều mặt hàng nông sản, đặc biệt là rau quả tươi đang được vận chuyển bằng đường bộ sang thị trường này. Mô hình cửa khẩu số hiện đang áp dụng tại các cửa khẩu đường bộ tại tỉnh Lạng Sơn đang giúp rút ngắn thời gian thông quan, giúp các mặt hàng nông sản tươi bảo quản được chất lượng khi xuất khẩu.
Chỉ từ 5 - 10 phút, mỗi chiếc xe container đã hoàn thành thông quan tại Cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn. Với cửa khẩu số, thủ tục được thực hiện nhanh chóng, thay vì mất hơn 1 giờ đồng hồ như trước đây, giúp hàng nghìn tấn nông sản tươi qua các cửa khẩu đường bộ tại tỉnh Lạng Sơn rút ngắn thời gian xuất khẩu sang Trung Quốc.
Mô hình cửa khẩu số hiện đang áp dụng tại các cửa khẩu đường bộ tại tỉnh Lạng Sơn.
Trong 11 tháng năm nay, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn luôn được duy trì ổn định, trung bình đạt 1.300 lượt xe/ngày, cao điểm lên đến gần 1.500 lượt xe. Con số này dự kiến sẽ tăng hơn nữa trong 2 tháng cao điểm trước Tết Nguyên Đán.
Ông Trần Văn Nghĩa - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục áp dụng cửa khẩu số một cách hiệu quả, kết nối các cơ quan, tăng tính tự động hoá, bớt đi thao tác thủ tục và kết nối thêm với các chương trình riêng của hải quan".
Dự kiến, sang năm tới, Cửa khẩu Hữu Nghị sẽ nâng quy mô từ 4 lên 6 làn xe. Đến năm 2026 sẽ lên 14 làn xe khi triển khai thí điểm mô hình cửa khẩu thông minh.
Áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), xe tự vận hành không người lái, hệ thống quản lý tự động… trong quá trình giao, nhận hàng hóa sẽ góp phần nâng cao năng lực thông quan tại các cửa khẩu đường bộ gấp 4 - 5 lần so với thời điểm hiện nay.
Đáp ứng chất lượng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc
Để xuất nhập khẩu nông sản giữa hai chiều Việt Nam - Trung Quốc được thuận lợi, bên cạnh việc hỗ trợ thông quan nhanh thì việc các lô hàng nông sản đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng nhập khẩu tại nước bạn, cũng mang yếu tố quyết định.
Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính khi mỗi mặt hàng lại có những tiêu chuẩn riêng, đòi hỏi các doanh nghiệp cần tìm hiểu kĩ càng và đáp ứng để gia tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu.
Điều kiện về xuất khẩu trái cây tươi, tiêu chuẩn nhà xưởng chế biến và các điều khoản hợp đồng xuất khẩu là những thắc mắc được các doanh nghiệp, hợp tác xã đặt ra tại Diễn đàn Kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam - Trung Quốc vừa qua.
Đặc biệt với hợp tác xã quy mô nhỏ, dù có sản phẩm chất lượng, nhưng khó khăn trong việc tìm hiểu thông tin, thị trường xuất khẩu hiện là rào cản để đưa sản phẩm vươn xa.
Trong năm nay, Trung Quốc đã mở cửa cho nhiều loại nông sản của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch. Cơ hội mở ra đi kèm là nhiều quy định, tiêu chuẩn chất lượng cụ thể với từng mặt hàng.
Các doanh nghiệp cần tìm hiểu kĩ càng và đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc để gia tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu. Ảnh minh họa.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay một số lô hàng nông sản của Việt Nam xuất sang Trung Quốc vẫn chịu mức kiểm dịch động, thực vật 100%, dẫn đến thời gian thông quan kéo dài.
Đến nay, Việt Nam đã có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và đang hoàn thiện thủ tục cho dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Doanh nghiệp các địa phương sẽ phối hợp cùng xử lý tháo gỡ vướng mắc về kỹ thuật các sản phẩm nông lâm thủy sản cho cac doanh nghiệp trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!