Cụ thể, số liệu từ Kantar Worldpanel Việt Nam cho thấy, 3 năm qua, giá trị đóng góp của 2 tháng Tết vào kết quả cả năm trong ngành tiêu dùng nhanh (FMCG) đã giảm dần, từ 21% xuống 19% ở thành thị và 24% xuống 21% ở nông thôn. Vì vậy, thời điểm này các nhà sản xuất, nhà phân phối cũng nắm bắt và đáp ứng xu hướng của người tiêu dùng muốn đón và chuẩn bị cho một mùa Tết giản đơn hơn, tiện lợi, thiết thực, tiết kiệm.
Tại TP Hồ Chí Minh, nguồn hàng hóa dự kiến phục vụ Tết được các doanh nghiệp chuẩn bị lên tới khoảng 23.000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 10.000 tỷ đồng, tức gần một nửa dành cho hàng bình ổn thị trường. Điều này đảm bảo hàng hóa sẽ luôn đủ cung ứng với mức giá hợp lý.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực- Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết: "Các doanh nghiệp đều tiết giảm mọi chi phí và giảm lợi nhuận của mình để đưa ra những hàng hóa ổn định giá bán dù sức mua có tăng đột biến...".
Các đơn vị tư vấn cho rằng, với xu hướng sắm Tết hướng đến sự tiết kiệm, đơn giản, các thương hiệu và nhà sản xuất cần nắm bắt và đáp ứng xu hướng người tiêu dùng.
Ông Mohammad - Mudasser - Giám đốc dịch vụ Quản lý vốn lưu động, Công ty PwC Việt Nam cho biết: "Người tiêu dùng đang ưu tiên các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu hơn là các mặt hàng xa xỉ, với 63% người được khảo sát cho biết họ đang chú ý nhiều hơn đến giá cả so với năm ngoái. Vì vậy, đối với doanh nghiệp họ cần cung cấp nhiều biến thể sản phẩm với mức giá khác nhau có thể thu hút nhiều khách hàng hơn".
Theo dự báo của Bộ Công Thương, sức mua dịp Tết Nguyên đán 2025 có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, để đảm bảo nguồn cung, hiện nay các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh cũng đã tăng sản lượng từ 10 - 20% cho dịp Tết năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!