Cụ thể, vị trí tiếp bờ của dòng khí khai thác từ mỏ Cá Voi Xanh và nhà máy xử lý khí sẽ được đặt tại Khu kinh tế mở Chu Lai (xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý quy hoạch xây dựng 4 nhà máy nhiệt điện khí với tổng công suất 3.000 MW, sử dụng khí khai thác từ mỏ Cá Voi Xanh, công suất mỗi nhà máy 750 MW. Trong đó, 2 nhà máy sẽ được xây dựng tại xã Tam Quang, huyện Núi Thành (Quảng Nam) và 2 nhà máy sẽ xây ở Khu kinh tế Dung Quất (xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).
Dự án Trung tâm Khí điện miền Trung, theo kế hoạch, sẽ do Tập đoàn Exxon Mobil (Hoa Kỳ) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) triển khai. Dự án đã được phía Exxon Mobile đề xuất từ lâu, sau khi phát hiện khí ở các lô 117, 118, 119 ngoài khơi miền Trung Việt Nam và quyết định đưa vào bờ để khai thác thương mại, phục vụ việc phát điện ở Việt Nam. Đó là khu vực mỏ Cá Voi Xanh mà năm 2013, nhân chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, PVN và Exxon Mobil đã ký thỏa thuận khung về việc triển khai Dự án phát triển mỏ này.
Ban đầu, nhiều thông tin cho biết, quy mô của Dự án có thể lên tới 20 tỷ USD. Tuy nhiên, sau đó, con số được PVN nhắc tới là khoảng 10 tỷ USD và gần đây, là 4,6 tỷ USD. Con số cuối cùng dù chưa được chốt, song dù thế nào thì đây cũng là một dự án "khủng", với sự tham gia của một trong những tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ và là một trong những tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới.
Cũng vì quy mô lớn và có tầm quan trọng như vậy, nên thời gian qua, cùng với việc Exxon Mobil liên tục đi tới các tỉnh miền Trung để khảo sát địa điểm xây dựng, thì cả Quảng Ngãi và Quảng Nam đều rất nỗ lực xúc tiến đầu tư dự án này. Quảng Nam thậm chí đã thành lập một Tổ công tác Xúc tiến đầu tư Dự án Nhà máy Khí - Điện vào Khu kinh mở Chu Lai. Trong khi đó, Quảng Ngãi đã nhiều lần đề xuất các địa điểm thuận lợi cho việc phát triển dự án này.
Mới cách đây khoảng 2 tháng, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã một lần nữa có văn bản gửi Bộ Công thương để giới thiệu địa điểm quy hoạch xây dựng Trung tâm Khí điện miền Trung. Quảng Ngãi đã giới thiệu tới 3 địa điểm được cho là phù hợp để phát triển Dự án, trong đó, địa điểm được tỉnh này kỳ vọng nhiều nhất là khu đất 385 ha, vốn được quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp hóa dầu, kho bể chứa…
Khu đất này tiếp giáp Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, đồng thời là điểm tiếp bờ gần nhất và lại nằm sát biển, nên thuận lợi cho việc tiếp cận đường ống, cũng như kết nối ống dẫn dầu từ Lọc dầu Dung Quất để cung cấp dầu DO cho Trung tâm Khí điện miền Trung. Đồng thời, vị trí này, theo Quảng Ngãi, cũng rất thuận tiện cho việc kết nối để chế biến sâu và cung cấp một phần nguyên liệu cho Lọc dầu Dung Quất, vừa cung cấp cho các dự án hóa dầu và methanol…
Với quyết định mới đây của Thủ tướng Chính phủ, thì cả Quảng Ngãi và Quảng Nam đều được hưởng lợi từ đại dự án này. Các hạng mục của Dự án sẽ được đặt ở cả hai tỉnh và ở hai khu kinh tế đang được Chính phủ Việt Nam ưu tiên phát triển, là Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu kinh tế Dung Quất.
Thông tin cho biết, Exxon Mobil sẽ đầu tư một giàn đầu giếng để xử lý tách nước ngoài khơi; hai cụm khai thác ngầm, mỗi cụm có 4 giếng khai thác và một đường ống dài khoảng 88 km nối vào bờ biển Chu Lai. Dự kiến, trong tổng sản lượng khí khai thác hàng năm khoảng 9 - 10 tỷ m3, sẽ có 1 tỷ m3 được dành để kết nối với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất phục vụ chế biến sâu.
Cuối tuần này, dự kiến, Exxon Mobil sẽ tiếp tục có mặt trong đoàn doanh nghiệpHội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN tới tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Đây có thể sẽ là chuyến đi rất quan trọng đối với các quyết định đầu tư của Exxon Mobil tại Việt Nam trong thời gian tới.