COVID-19 sẽ khiến giá cả đắt đỏ hơn?

VTV Digital-Thứ ba, ngày 15/09/2020 06:07 GMT+7

VTV.vn - Trang tin của Viện nghiên cứu kinh tế Hoa Kỳ AIER chỉ ra, cùng với các gói hỗ trợ quy mô, lượng cung tiền của 1 số nền kinh tế lớn đều tăng vọt, báo hiệu rủi ro lạm phát.

Đại dịch COVID-19 khiến kinh tế đình trệ, đòi hỏi Chính phủ các quốc gia bơm tiền ra hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là các nền kinh tế lớn. Một câu hỏi đặt ra trong bối cảnh này là: Liệu tác dụng phụ của liệu pháp này có gây ra lạm phát hay không?

Tại Mỹ, ước tính chu cấp của Chính phủ chiếm tới hơn 30% thu nhập của người dân, là mức cao kỷ lục. Có người còn gọi vui gói cứu trợ của Mỹ là 'tiền trực thăng' vì cách thức hỗ trợ trực diện với quy mô lớn của quốc gia này. Chính phủ Mỹ, hay nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác cũng vậy, đang tạm gạt sang 1 bên mối lo lạm phát, để cứu sống nền kinh tế của mình trước đã.

Các nền kinh tế lớn tạm gác lại lo ngại lạm phát để triển khai kích thích kinh tế

Mất việc hồi cuối tháng 3 do dịch COVID-19, đời sống của anh Scott Stegenga - lao động thất nghiệp tại New York (Mỹ) và cả gia đình đột nhiên rơi vào trạng thái bấp bênh. Nguồn thu nhập chính của gia đình anh lúc này, trông cả vào các khoản trợ cấp của chính phủ.

Anh Scott Stegenga cho biết: "Tôi chưa bao giờ thất nghiệp lâu như vậy. Các khoản trợ cấp bổ sung trong dịch này đang là phao cứu sinh để chúng tôi trả các hóa đơn và chi tiêu thiết yếu hàng ngày".

Tại Mỹ, hơn 2500 tỷ USD đã được Quốc hội thông qua cho chương trình cứu trợ nền kinh tế số 1 thế giới. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED cũng đã bơm hơn 3000 tỷ USD vào hệ thống tài chính tính tới hết tháng 7.

Theo Chủ tịch FED Jerome Powell, cơ quan này đã thay đổi quan điểm, sẵn sàng chấp nhận để lạm phát vượt qua mục tiêu tùy thời điểm để duy trì nới lỏng tiền tệ, hỗ trợ nền kinh tế.

COVID-19 sẽ khiến giá cả đắt đỏ hơn? - Ảnh 1.

Tại Mỹ, hơn 2500 tỷ USD đã được Quốc hội thông qua cho chương trình cứu trợ nền kinh tế số 1 thế giới. (Ảnh: Getty Images)

Ông Jerome Powell nói: "Chúng tôi nhấn mạnh rằng đảm bảo toàn dụng việc làm là mục tiêu toàn diện. Chúng tôi sẽ sử dụng tối đa các công cụ hỗ trợ, để đảm bảo rằng thị trường lao động sẽ phục hồi mạnh mẽ, mà không quá lo ngại lạm phát tăng cao".

Ưu tiên hàng đầu lúc này của các chính phủ là khôi phục sản xuất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Bên kia bờ Đại Tây Dương, Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB cũng cho biết. sẽ tiếp tục giữ lãi suất siêu thấp và chương trình nới lỏng tiền tệ trị giá hơn 1600 tỷ USD cho tới giữa năm sau.

Đối với khu vực châu Á, các chuyên gia cũng cho rằng các nền kinh tế khu vực không cần xem lạm phát là mối ưu tiên quá lớn, khi tiêu dùng ở nhiều nước vẫn đang suy giảm. Thay vào đó kích thích kinh tế sẽ là ưu tiên chủ đạo từ nay cho tới năm sau.

Ông Mickey Levy, chuyên gia kinh tế khu vực châu Á, Quỹ đầu tư Berenberg, nói: "Lo ngại lạm phát là có nhưng chưa phải bây giờ. Đúng là các chính phủ đang nỗ lực bơm tiền nhưng trong ngắn hạn điều đó là cần thiết cho đến khi nền kinh tế có thể tăng tốc trở lại. Nếu người dân không có tiền để chi tiêu thì giảm phát và suy thoái còn đáng lo ngại hơn".

Tuy vậy, tờ Financial Times cảnh báo, lạm phát hay giảm phát, là rủi ro ở cả 2 thái cực của chỉ số giá mà trong bất kỳ kịch bản bất ngờ nào ở cả 2 thái cực này, đều có thể hủy hoại kết quả của các gói cứu trợ kinh tế.

Mục tiêu kiểm soát lạm phát không đáng lo ngại

Tại Việt Nam cũng đặt ra những lo ngại tương tự, liệu lạm phát có được kiểm soát hay không? Câu trả lời có thể thấy rõ qua chỉ số giá tiêu dùng tháng 8, có mức tăng thấp nhất cùng kỳ 5 năm qua. Bình quân 8 tháng, lạm phát tăng 3,96%, lần đầu tiên xuống dưới mức mục tiêu dưới 4% kể từ đầu năm. Với xu hướng tiếp tục giảm từ đầu năm, mục tiêu kiểm soát lạm phát được đánh giá là điều không đáng lo ngại.

COVID-19 sẽ khiến giá cả đắt đỏ hơn? - Ảnh 2.

Sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty cổ phần may và dịch vụ Hưng Long (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên). Ảnh: TTXVN.

Áp lực lạm phát tới thời điểm này chủ yếu chỉ tới từ giá thịt lợn, chiếm tới 61% tác động tăng giá 8 tháng đầu năm, vốn cũng đang dần được kiểm soát.

Trong khi đó, các gói cứu trợ không ghi nhận tác động rõ rệt đối với tăng lạm phát. Thậm chí, các gói cứu trợ của Việt Nam như giảm giá điện, nước, bưu chính viễn thông còn giúp kéo giảm lạm phát 0,3%.

Ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng, World Bank Việt Nam, cho biết: "Ở cả 3 khía cạnh là giá cả trong nước, lạm phát nhập khẩu và chính sách tiền tệ thì lạm phát Việt Nam đều không đáng ngại. Ngay cả khi nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại, thì ở phía cung, sản xuất cũng sẽ tăng trở lại, nên lạm phát sẽ không đáng ngại".

Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, nói: "Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động và linh hoạt trong điều hành tiền tệ. Điều hành được lượng tiền trong lưu thông thì sẽ giảm áp lực lạm phát trong nước".

Lạm phát, theo chuyên gia, chủ yếu là rủi ro dài hạn. Các gói hỗ trợ tín dụng có thể tác động tăng lạm phát. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, có ý kiến còn cho rằng, nên tạm quên đi mối lo này, thậm chí cân nhắc gỡ bỏ mức mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%, để tập trung phục hồi sản xuất, kinh doanh và việc làm trước.

Các gói hỗ trợ của Việt Nam được đánh giá là phù hợp, chủ yếu bao gồm giãn hoãn thuế, giãn hoãn nợ vay, cơ cấu nhóm nợ, an sinh xã hội và giải ngân đầu tư công và sắp tới là gói hỗ trợ lần 2, dự kiến cũng sẽ chọn lọc hơn, chú trọng vào nhiều đối tượng cụ thể cần hỗ trợ. Do đó, tác động lạm phát được đánh giá là hoàn toàn trong tầm kiểm soát.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước