COVID-19 phủ bóng đen, du lịch Việt chưa tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm

Hoàng Nam-Thứ hai, ngày 31/08/2020 14:01 GMT+7

VTV.vn - Du lịch Việt, đặc biệt là mảng du lịch quốc tế, vẫn chưa tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm dưới áp lực của dịch COVID-19.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê, từ 2 triệu khách quốc tế trong tháng 1 nhưng đến tháng 8 này Việt Nam chỉ còn có hơn 16.000 lượt khách, tức là giảm đến 125 lần.

Trả lời bài viết, Chủ tịch doanh nghiệp du lịch HG Group cho biết, mảng du lịch quốc tế của công ty từ 160 người giờ chỉ còn 10 người. Giữa năm sau thì mới hi vọng có thể đón được một ít du khách nước ngoài, còn thời gian để phục hồi hoàn toàn chắc phải tính đến vài năm.

Để tồn tại, biện pháp mà các nhà điều hành đang áp dụng triệt để là tiết kiệm, giảm chi tiêu đến mức tối thiểu để chờ đợi, chỉ một số doanh nghiệp có tiềm lực mới có thể tính đến việc tiếp tục kêu gọi tăng vốn hoặc dùng nguồn quỹ vẫn còn để đầu tư vào một số mảng chiến lược trong tương lai như công nghệ. Theo bài viết, dịch COVID-19 sẽ thổi bay các doanh nghiệp có cơ cấu vốn vay cao cũng như sẽ tạo nên một cuộc sàng lọc khủng khiếp trên thị trường du lịch.

Ngành bia cũng lao đao

COVID-19 phủ bóng đen, du lịch Việt chưa tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm   - Ảnh 1.

Bia cũng là ngành lao đao vì COVID-19, thậm chí còn chịu thêm ảnh hưởng từ Nghị định 100 về hạn chế bia rượu. Tờ Nhịp cầu đầu tư đặt câu hỏi: Dưới "tác động kép" như vậy, ngành đồ uống có cồn này bao giờ mới phục hồi.

Theo báo cáo của SSI Research, sau tuần bĩ cực, các ông lớn ngành bia cũng đang phần nào tìm thấy hồi thái lai. Sau quý I tệ nhất trong lịch sử kinh doanh khi lợi nhuận giảm hơn 44% so với cùng kỳ, Sabeco đã tìm thấy nhịp hồi phục trong quý II khi doanh thu tăng hơn 45% so với Quý I. Hay để đáp ứng thay đổi từ Nghị định 100, Heineken cũng đã cho ra mắt sản phẩm bia không cồn, tiếp tục giữ thị phần cao nhất trên kênh thương mại hiện đại tại TP.HCM và Hà Nội.

Báo cáo đánh giá nếu không có thêm đợt giãn cách xã hội nào trên phạm vị toàn quốc, ngành bia có thể phục hồi 20% trong năm 2021. Tuy nhiên để mức tiêu thụ bia trở về mức trước khi có dịch COVID-19 và Nghị định 100 vẫn có thể mất vài năm.

Sức chống chịu của doanh nghiệp rất mỏng

Dù đã có 1 số điểm sáng trong bức tranh hồi phục của doanh nghiệp nhưng nhìn chung sức chống chịu của doanh nghiệp giờ rất mỏng.

Có tới 75% doanh nghiệp vẫn hoạt động, nhưng không cân đối được thu - chi, tức là dòng tiền vào nhỏ hơn chi phí của doanh nghiệp. 81% doanh nghiệp được khảo sát không có khách hàng/đơn đặt hàng hiện tại và trong vòng 6 tháng tới. Trong các loại thuế phí thì tiền thuê đất hiện là gánh rất nặng, giá thuê thực tế tăng cao hơn năm 2019 rất nhiều, cá biệt có những doanh nghiệp phải trả tiền thuê đất cao gấp 3 - 4 lần so với năm 2019, trong khi doanh thu sụt giảm nghiêm trọng vì dịch.

Ngoài các đề xuất Chính phủ xem xét, quyết định các biện pháp miễn, giãn, hoãn, giảm các khoản chi. Doanh nghiệp cũng chờ đợi có gói vay ưu đãi mới với lãi suất thấp, có chế tài mạnh với các khâu thực thi đi ngược chủ trương tạo thuận lợi của Chính phủ. Theo Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó giám đốc thường trực Văn phòng Ban IV, từ giờ tới cuối năm là thời điểm cực kỳ nhạy cảm, liên quan tới sự tồn tại của rất nhiều doanh nghiệp, nếu các cấp thực thi chính sách không đặt mọi việc vào tình trạng cấp cứu để hỗ trợ doanh nghiệp, thì hiện tượng doanh nghiệp "chết lâm sàng" hàng loạt sẽ diễn ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước