Làm thế nào để những quả "bong bóng du lịch" tại Việt Nam không vỡ?

Chinh Vũ - Đắc Hiến-Thứ bảy, ngày 18/07/2020 07:35 GMT+7

VTV.vn - Khả năng thực thi mô hình “bong bóng du lịch” tại Việt Nam vẫn đang nhận về nhiều ý kiến trái chiều.

6 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm gần 60% so với cùng kỳ năm 2019 do dịch bệnh. Doanh nghiệp du lịch, hàng không ngày càng lao đao. Tuy nhiên, triển vọng mở lại một số đường bay quốc tế đang là tín hiệu tích cực cho sự hồi phục của ngành du lịch trong tương lai. Mô hình hành lang du lịch an toàn giữa các nước, còn gọi là "bong bóng du lịch" được nhiều bên đề xuất.

Doanh nghiệp du lịch, hàng không chật vật khôi phục

"Chưa thể mở cửa ngay cho khách du lịch"- đây là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một cuộc gặp mặt với cộng đồng doanh nghiệp ngày 17/8, với tinh thần không để làn sóng COVID-19 thứ 2 xảy ra tại Việt Nam. Dù vậy, Thủ tướng cũng cho biết đã giao cho Bộ, ngành liên quan xử lý các giải pháp tái cấu trúc ngành du lịch và phục hồi du lịch quốc tế hậu COVID-19.

Trước đó, động thái Bộ Giao thông Vận tải đề xuất mở lại một số đường bay thương mại quốc tế đến Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... với số lượng vận chuyển hạn chế cũng là tín hiệu tích cực đầu tiên về sự phục hồi thị trường du lịch quốc tế đối với cộng đồng doanh nghiệp du lịch.

Sau một thời gian Việt Nam khống chế dịch thành công, đây đã là thời điểm cấp thiết để bàn luận các giải pháp về thị trường để tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp không khói. Các số liệu mới nhất đều cho thấy tình cảnh ngày càng khó khăn của các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực này.

Làm thế nào để những quả bong bóng du lịch tại Việt Nam không vỡ? - Ảnh 1.

Doanh nghiệp du lịch, hàng không chật vật khôi phục hậu COVID-19.

Ghi nhận tại một số doanh nghiệp cho thấy làn sóng cắt giảm nhân sự thứ 2 trong ngành đang diễn ra, vì quỹ dự phòng tại nhiều doanh nghiệp đã cạn kiệt. Giới lữ hành lý giải nguyên nhân chính là do hơn một nửa doanh thu toàn ngành du lịch Việt đến từ khách quốc tế. Có doanh nghiệp tỷ lệ này lên đến 70-90%. Do đó thị trường nội địa dù có phục hồi nhưng chỉ có ý nghĩa với một số doanh nghiệp.

Mới đây, lãnh đạo doanh nghiệp đầu ngành hàng không là Vietnam Airlines cũng cho biết dòng tiền năm nay của doanh nghiệp dự kiến thâm hụt đến 16.000 tỷ đồng, cũng là do chưa thể khôi phục đường bay quốc tế. Trong 3 tháng qua, Vietnam Airlines liên tục mở 18 đường bay nội địa mới phần lớn là các chặng ngắn, bán với giá rất rẻ. Trong khi thực tế, mười mấy đường bay nội địa mới bằng một đường bay quốc tế.

Nhiều quốc gia chọn Việt Nam để có thể thiết lập "bong bóng du lịch"

Để từng bước khôi phục thị trường du lịch quốc tế đối với những quốc gia kiểm soát dịch thành công như Việt Nam, mô hình "hành lang du lịch an toàn", hay còn gọi bằng cái tên phổ biến là "bong bóng du lịch" đang được giới lữ hành toàn cầu nhắc đến ngày càng nhiều trong vài tháng trở lại đây như một mô hình tương lai có thể áp dụng rộng rãi.

Theo các nhà nghiên cứu từ Đại học Oxford, hiểu nôm na đây là cơ chế cho phép du khách đến từ một số quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt không phải trải qua 14 ngày cách ly trước khi được nhập cảnh. Hình tượng bong bóng được chọn là bởi các nước tham gia vào mở cửa biên giới với nhau nhưng vẫn đóng biên với tất cả các nước còn lại. Vì vậy người ta có thể dịch chuyển tự do bên trong bong bóng, nhưng người ở ngoài thì không thể vào được.

Làm thế nào để những quả bong bóng du lịch tại Việt Nam không vỡ? - Ảnh 2.

Việt Nam đang là cái tên được nhiều nước bạn tin tưởng khi nghiên cứu triển khai "bong bóng du lịch".

Để tạo nên một "bong bóng du lịch" cần phải có sự tin tưởng cao độ giữa các quốc gia đối tác với nhau. Và Việt Nam đang là cái tên được nhiều nước bạn tin tưởng khi nghiên cứu triển khai "bong bóng du lịch".

Tờ Nikkei và Kyodo News dẫn nguồn tin cho biết sau khi cơ bản khống chế được dịch, Nhật Bản đang thảo luận để nối lại đường bay và thiết lập "bong bóng du lịch" với những nước và vùng lãnh thổ chống dịch tốt tại châu Á, trong đó có Việt Nam. Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên được Nhật Bản xem xét nới lỏng hạn chế, mở cửa đón khách du lịch trở lại, bên cạnh Thái Lan, Australia và New Zealand.

Trong khi đó, Bloomberg dẫn lời phát ngôn viên của Trung tâm COVID-19 Thái Lan cho biết, Chính phủ Thái Lan có kế hoạch tạo ra "bong bóng du lịch" với một số quốc gia khi mở cửa lại biên giới. Khách du lịch có thể cần được xét nghiệm xem có mắc bệnh hay không nhưng sẽ không phải cách ly và Việt Nam cũng là cái tên nằm trong danh sách đầu tiên.

Áp dụng "bong bóng du lịch" tại Việt Nam có khả thi?

Các chuyên gia của tờ báo kinh tế uy tín The Economist cho biết, nếu được thiết lập thành công, "bong bóng" giữa các nước châu Á - Thái Bình Dương sẽ có nhiều đóng góp không nhỏ vào việc khôi phục kinh tế toàn cầu do khu vực này chiếm 27% GDP thế giới, nhờ có Trung Quốc và Nhật Bản. Trong khi trung bình 51% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của khu vực này là với các nước trong nhóm.

Các quốc gia đang tính thiết lập bong bóng du lịch với Việt Nam cũng là các đối tác có kim ngạch thương mại 2 chiều thuộc top đầu với nước ta. Tuy nhiên đó là lý thuyết, còn trên thực tế, khả năng thực thi bong bóng du lịch tại Việt Nam vẫn đang nhận về nhiều ý kiến trái chiều.

Theo các doanh nghiệp đầu ngành du lịch, để mô hình hành lang du lịch an toàn tức "bong bóng du lịch" phát huy hiệu quả tại Việt Nam, vấn đề căn cơ là Việt Nam phải có được bộ tiêu chí cụ thể để đánh giá mức độ mở cửa với từng thị trường. Không đánh giá được sẽ không thể miễn cách ly, mà không miễn cách ly thì gần như không thể thu hút khách du lịch.

Làm thế nào để những quả bong bóng du lịch tại Việt Nam không vỡ? - Ảnh 3.

Khả năng thực thi bong bóng du lịch tại Việt Nam vẫn đang nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh minh họa.

Đại diện Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cũng lưu ý, các điều kiện kèm theo đối với khách khi nhập cảnh cũng phải được cân nhắc nếu có triển khai mô hình này.

Chẳng hạn nhìn sang nước bạn Campuchia, khách du lịch đến đây hiện phải nộp 3.000 USD tiền cọc tại sân bay, đồng thời phải có bảo hiểm du lịch trị giá ít nhất 50.000 USD. Những điều kiện như vậy rất khó để hồi phục ngành du lịch.

Nhiều dự báo cho rằng khả năng thu hút khách du lịch quốc tế thời điểm này rất khó dù có mở cửa từng bước vì vậy khách chủ yếu sẽ là người Việt về nước, hoặc những chuyên gia làm việc tại Việt Nam.

Bộ GTVT cho rằng, bộ này đề xuất mở lại một số đường bay quốc tế nhưng quyết định cụ thể về ngày cách ly, hỗ trợ khách du lịch đến đâu… lại phụ thuộc vào quyết định của Chính phủ.

"Bong bóng du lịch" trên thế giới: Lạc quan trong sự thận trọng

Lạc quan trong sự thận trọng là cách mà nhiều quốc gia đã và đang nghiên cứu áp dụng mô hình "bong bóng du lịch". Có trường hợp việc triển khai đã được bàn bạc từ rất sớm, nhưng đến nay trước diễn biến dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp thì thời gian triển khai vẫn đang để ngỏ.

Australia và New Zealand là những nước đi đầu khi có các cuộc đàm phán nghiêm túc về việc thiết lập hành lang du lịch an toàn giữa 2 quốc gia vào đầu tháng 5. Tuy nhiên, vẫn chưa biết cụ thể khi nào hai bên sẽ triển khai mô hình bong bóng du lịch.

Ông Scott Morrison - Thủ tướng Australia nói: "Tôi và Thủ tướng New Zealand đã bàn bạc với nhau suốt thời gian qua về kế hoạch mở một vùng du lịch an toàn giữa hai nước. Măc dù sẽ mất thời gian, nhưng kế hoạch này đáng để chúng ta thử, vì đây sẽ là bước đầu vực dậy ngành du lịch".

Với trường hợp New Zealand, đây là một mối hợp tác có cơ sở sinh lợi, bởi du khách Australia chiếm tới gần 40% tỉ lệ khách ngoại đến New Zealand, cũng như chiếm khoảng 24% chi tiêu của khách quốc tế ở nước này vào năm 2019.

"Đó là điều tất cả chúng ta đều mong muốn, nhưng tất nhiên, ưu tiên số một là đảm bảo cả hai quốc gia đều kiểm soát tốt COVID-19, đến mức có thể tự tin mở cửa biên giới", bà Jacinda Ardenrn - Thủ tướng New Zealand nói.

Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán "bong bóng du lịch Australia- New Zealand" phải đến đầu tháng 9 mới được thực hiện.

Trong khi đó, từ giữa tháng 5, Estonia, Latvia và Litva thuộc nhóm các nước Baltic đã triển khai mô hình "bong bóng du lịch" đầu tiên của châu Âu. Trong bong bóng du lịch của khu vực Baltic, người dân được tự do đi lại bằng đường sắt, đường hàng không và đường biển mà không cần trải qua các biện pháp cách ly.

Làm thế nào để những quả bong bóng du lịch tại Việt Nam không vỡ? - Ảnh 4.

"Bong bóng du lịch" đang nổi lên là giải pháp cứu vãn ngành du lịch toàn cầu (Nguồn: Nikkei)

Còn ở châu Á, vào đầu tháng 5, Trung Quốc và Hàn Quốc đã lập ra một "bong bóng" cho phép khách du lịch đi giữa Hàn Quốc và 10 khu vực Trung Quốc nếu đã có kết quả âm tính với COVID-19.

Trong số những vị khách du lịch đầu tiên sử dụng kênh này có cả Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung - ông Lee Jae-yong - với chuyến thăm 3 ngày đến nhà máy Samsung tại tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Mô hình "bong bóng du lịch" này đang được chính phủ Hàn Quốc tìm cách thảo luận với nhiều nước khác như Việt Nam, Hungary, Ba Lan và Kuwait.

Theo các chuyên gia với mỗi giai đoạn tái mở cửa, di chuyển nhiều hơn đồng nghĩa với rủi ro cao hơn và chính phủ cũng như du khách phải tuân thủ nhiều quy tắc hơn. Đây là thách thức cho mọi quốc gia cả về vấn đề dịch tễ lẫn tâm lý.

Nếu như giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về tài khóa, tiền tệ có ý nghĩa giúp doanh nghiệp tồn tại qua dịch thì giải pháp về thị trường mới có thể giúp doanh nghiệp sống và đi được đường dài. Mô hình "bong bóng du lịch" là một giải pháp thị trường được nhiều chuyên gia đánh giá là tiềm năng và phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh. Tuy nhiên làm thế nào để những quả bong bóng không "vỡ" và gây thiệt hại thậm chí nặng nề hơn cho toàn bộ nền kinh tế, sẽ đòi hỏi quá trình phản biện kĩ lưỡng hơn nữa giữa Chính phủ, giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước