Công khai lãi suất cho vay, khơi thông tín dụng

Phong Nguyễn-Thứ tư, ngày 10/04/2024 09:00 GMT+7

VTV.vn - Các chuyên gia nhận định kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu ngấm vốn, bước vào pha phục hồi sau hàng loạt chính sách giảm lãi suất thông qua các gói hỗ trợ tín dụng.

Theo ông Nguyễn Đình Tuệ - Giám đốc trung tâm dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong năm 2023, nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng sản xuất ra không bán được sản phẩm, chính vì vậy nhiều doanh nghiệp phải đối phó bằng cách giảm quy mô kinh doanh, thu hẹp sản xuất và nhu cầu vay vốn cũng giảm theo. 

Khảo sát một số doanh nghiệp, thì doanh nghiệp kêu khó tiếp cận với nguồn vốn từ ngân hàng, trong khi phía ngân hàng thì lại cho biết họ đã rất cố gắng tìm cách tiếp cận doanh nghiệp nhưng vẫn có nhiều điểm khiến ngân hàng và doanh nghiệp khó tiếp cận với nhau. Nguyên nhân của sự lệch pha này do ảnh hưởng bởi đặc điểm của doanh nghiệp nhỏ và vừa thường có những khó khăn về tài sản thế chấp. 

Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Thanh Xuân - Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng Trường đại học Kinh tế - Luật TP Hồ Chí Minh đánh giá thời gian qua việc duy trì lãi suất cho vay thấp thời gian qua đã có tác động rất rõ ràng, tác động đến tâm lý hành vi đến từng cá nhân, từng doanh nghiệp, tổ chức. Những tác động này có thể kích thích chuyển dịch ý tưởng, kế hoạch tiêu dùng trong tương lai có thể dịch chuyển về hiện tại nhờ vào những tác động này. Tuy nhiên, những tác động này chỉ phát huy khi có điều kiện cần khi chính sách lãi suất thấp được duy trì ổn định trong một thời gian đủ dài. Lãi suất thấp cũng chỉ phát huy được khi nền kinh tế thực sự bước vào pha phục hồi. 

Một yếu tố mang lại tác động lớn hơn cả yếu tố hạ lãi suất chính là việc các ngân hàng công khai, minh bạch biểu lãi suất cho vay. Việc công khai biểu lãi suất sẽ có tác dụng vì ở vai trò người vay thì người ta sẽ kỳ vọng lãi suất danh nghĩa giảm thì lãi suất hiệu dụng đối với từng khoản vay cụ thể sẽ giảm theo. Người vay cũng sẽ có một khung tham chiếu thế nào là cao, thế nào là thấp để nhận diện được giá vốn cân bằng trong thị trường và như thế họ sẽ có các quyết định tài chính phù hợp hơn. 

Nhìn lại lịch sử từ năm 2000 đến nay, thì hiện nay mức lãi suất hiện nay đang ở mức thấp. Kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu Viện IBT cho thấy đã có những tín hiệu lạc quan trong nền kinh tế Việt Nam cho thấy nền kinh tế của chúng ta đang bước vào pha phục hồi. 

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quý đầu năm, lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn, nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng cao. Cùng đó, tăng trưởng tín dụng đến quý I mới đạt khoảng 0,9%.

Để tăng tiếp cận vốn, Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng công khai mặt bằng lãi suất cho vay, thông tin triển khai các gói tín dụng trước ngày 10/4. "Tổ chức nào không thực hiện thì Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xử lý nghiêm theo thẩm quyền và công khai theo quy định của pháp luật", Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số… nỗ lực phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân và không ngừng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước