Coca Cola Việt Nam có dấu hiệu "chuyển giá"?

Quang Huy - Việt Hoàng-Thứ năm, ngày 06/12/2012 08:20 GMT+7

Coca Cola với những biển quảng cáo tấm lớn tại đường phố Việt Nam (Ảnh: Flickr)

Lỗ lũy kế đến hết năm 2009 lên tới hơn 3.700 tỷ đồng, hơn cả số vốn Coca Cola đầu tư vào Việt Nam. Thế nhưng công ty này vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư và khẳng định vị thế của mình trên thị trường. Nhiều chuyên gia lĩnh vực thuế đã đặt nghi vấn “chuyển giá” từ hoạt động của hãng đồ uống khổng lồ này tại Việt Nam.    

Lỗ lũy kế đến hết năm 2009 lên tới hơn 3.700 tỷ đồng, hơn cả số vốn Coca Cola đầu tư vào Việt Nam. Thế nhưng công ty này vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư và khẳng định vị thế của mình trên thị trường. Nhiều chuyên gia lĩnh vực thuế đã đặt nghi vấn “chuyển giá” từ hoạt động của hãng đồ uống khổng lồ này tại Việt Nam.

Báo cáo kết quả kinh doanh của Coca Cola tại Việt Nam luôn là một chuỗi thua lỗ kéo dài. Mười năm gần đây, mỗi năm trung bình hãng này báo lỗ 100 tỷ đồng. Số lỗ lũy kế tính đến năm 2011 đã là hơn 3.700 tỷ đồng. Phải chăng hãng nước ngọt này không bán được?.

2006 lỗ 228 tỷ, 2007 lỗ 198 tỷ, 2011 lỗ 39 tỷ đồng. 10 năm: Lỗ trung bình 100 tỷ đồng/năm. Lỗ lũy kế đến 30/9/2011: 3.768 tỷ đồng. Bán Coca vẫn chạy nhất và dễ bán nhất.

Chủ một cửa hàng tạp hóa phố Trần Phú, Hà Nội cho biết: “Coca mình nhập nhiều chứ, các loại khác nhập ít lắm…”

Theo thống kê của Cục thuế TPHCM, chỉ trong vòng 4 năm (từ 2007-2010), tổng doanh thu của hãng Coca Cola tại Việt Nam đã tăng từ 1.000 tỷ lên hơn 2.500 tỷ đồng, gấp 2,5 lần, còn doanh số bán hàng thì tăng gần gấp 3 lần. Vậy nếu không phải do doanh số, thì yếu tố nào khiến doanh nghiệp này liên tục thua lỗ?.

Ông Nguyễn Trọng Hạnh, nguyên Phó Cục trưởng Cục thuế TPHCM cho rằng, nguyên nhân có thể được Coca Cola đưa ra là giá nguyên phụ liệu quá cao. “Nguyên liệu chính để tạo ra sản phẩm nước giải khát Coca Cola là hương liệu. Chúng tôi thấy giá hương liệu này chiếm tới 70% trên giá trị sản phẩm, trong đó hầu hết các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực đồ uống thì tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 30%. Và giá thành này lại được công ty mẹ áp đặt. Do đó, chúng ta có thể đặt câu hỏi mức giá này có đắt hay không?”.

Nguyên phụ liệu được mua độc quyền từ chính công ty mẹ ở nước ngoài, chuyện giá thành cao-thấp như vậy nằm trong bí mật nội bộ của Coca Cola. Các chuyên gia lĩnh vực thuế cho rằng, việc đẩy giá nguyên phụ liệu lên cao khiến công ty con có thể lỗ, nhưng tập đoàn mẹ thì sẽ lãi. Vậy là công ty con sẽ tránh được thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thực tế, Coca Cola gần như chưa phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam.

Bà Lê Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục thuế TPHCM cho biết: “Hầu hết doanh nghiệp chỉ đóng những khoản thuế môn bài, thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT, còn nhiều năm qua do liên tục khai báo lỗ nên không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, duy nhất chỉ có năm 2009, doanh nghiệp này khai báo lãi 3,5 tỷ đồng, nhưng so với doanh thu hơn 1000 tỷ đồng thì rõ ràng là quá thấp”.

Nhiều chuyên gia về thuế đều nói về những dấu hiệu của việc chuyển giá từ câu chuyện này. Ông Nguyễn Trọng Hạnh, chuyên gia lĩnh vực thuế phân tích: “Với những biểu hiện này cho thấy, công ty đang tối thiểu hoá nghĩa vụ nộp thuế và tối đa hoá lợi nhuận. Chúng ta chưa cần phải xác định các cơ sở pháp lý để nói công ty này chuyển giá hay không, nhưng qua những biểu hiện trên thì cho thấy nguy cơ này là hoàn toàn có lý”.

Theo TS.Trần Ngọc Thơ, Chuyên gia kinh tế: “Coca Cola đã từng bị kiện về chuyển giá tại nhiều nước trên thế giới, gần đây nhất là đã bị kiện ở Ấn Độ, nước này đã đưa việc chuyển giá của Coca Cola ra toà”.

Báo lỗ lớn, nhưng Coca cola vẫn tiếp tục bỏ tiền đầu tư... Quảng cáo, khuyến mãi khắp nơi tại Việt Nam. Hồi tháng 10, người đứng đầu hãng đồ uống khổng lồ Coca Cola đã có mặt tại Việt Nam với tuyên bố: Đây là thị trường tăng trưởng quan trọng, với mục tiêu tăng gấp đôi doanh thu vào năm 2020... kèm theo lời hứa Coca Cola sẽ rót thêm 300 triệu USD vào thị trường Việt Nam.

Mỗi ngày, nhà máy Coca Cola Việt Nam có thể sản xuất hàng trăm nghìn lon để đưa ra thị trường tiêu thụ, nếu như những phân tích, lập luận của cơ quan thuế và các chuyên gia về dấu hiệu chuyển giá của công ty này là đúng sự thật, thì có thể hiểu là, cứ một lon Coca Cola được bật nắp, ngân sách nhà nước sẽ thất thu một phần thuế. Với hơn 10 năm có mặt tại Việt Nam, hàng triệu lon Coca Cola đã được bán ra thị trường, có thể thấy, số thuế mà doanh nghiệp này né được phải lên tới hàng trăm, thậm chí con số nghìn tỷ đồng.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước