Theo tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tổng giá trị
cổ phiếu phát hành riêng lẻ cả năm 2013 là 24.000 tỷ đồng, gấp 5 lần năm 2012. Dự đoán trong năm nay, lượng cổ phiếu phát hành sẽ còn tiếp tục tăng. Tuy nhiên trong 6 tháng qua, nhiều DN phát hành thêm cổ phiếu không thành công. Nguyên nhân là các nhà đầu tư dè dặt vì đã từng thua thiệt và mất niềm tin trong giai đoạn “bán giấy lấy tiền” của các DN xảy ra cách đây vài năm.
Mới đây, Công ty Khoáng sản Na Rì Hamico, mã KSS thất bại khi phát hành thêm 18,14 triệu cổ phiếu. Sau 3 lần chào bán cho cổ đông hiện hữu, KSS vẫn còn tới gần 3 triệu cổ phiếu chưa ai mua. Hay cổ phiếu HBC của CTCP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình chỉ phát hành thêm có 400.000 cổ phiếu, giá rẻ hơn tới 30% so với giá thị trường, nhưng vẫn không bán hết, còn rất nhiều DN phát hành thêm thất bại. Nhiều nhà đầu tư cho biết, thị trường vừa khởi sắc, các DN đã đua nhau hút vốn khiến họ ngao ngán. Trong khi đó họ còn chưa thể nào quên những ký ức về việc nhiều DN tăng vốn xong rồi đem gửi ngân hàng lấy lãi, sử dụng sai mục đích, kinh doanh thua lỗ làm mất vốn nhà đầu tư từng xảy ra cách đây vài năm.
‘ KSS bị “ế” 2,9 triệu CP trong đợt chào bán gần 12,1 triệu CP. Ảnh: ndh
Nhà đầu tư Lê Trọng Nghĩa cho biết: “Sau thời kỳ khủng hoảng từ năm 2008-2012, việc phát hành thêm cổ phiếu không nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Rất nhiều người đã bị thua lỗ khi mua các cổ phiếu phát hành thêm”.
Chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm, trên cả hai sàn có hơn 10 DN đăng ký phát hành thêm cổ phiếu. Nhiều DN đã lên xong phương án phát hành thêm để trình Đại hội cổ đông.
Mới đây trên web f319 - Diễn đàn chuyên dành cho dân đầu tư tài chính, một số nhà đầu tư đã chia sẻ băn khoăn về cổ phiếu phát hành thêm với tiêu đề “lịch sử có lặp lại”. Họ cho rằng: “Khi giá cổ phiếu tăng lên với một mức giá hấp dẫn thì có khi nào làn sóng tăng vốn, phát hành thêm ở các công ty niêm yết lại đua nhau như đi trẩy hội?. Với các siêu dự án, các kế hoạch hoành tráng đi kèm với đó là mức giá hấp dẫn ở thời điểm tăng vốn… Những năm u ám bán giấy lấy tiền của thời kỳ 2007-2010 có lặp lại?”.
Không chỉ vậy, các nhà đầu tư còn dặn dò nhau “hết sức bảo trọng”. Theo nhà đầu tư Trần Tiến Dũng: “Thị trường từ đầu năm đến nay tuy đã tăng được khoảng 20%, nhưng bối cảnh thời điểm bây giờ khác hẳn mấy năm trước, thời điểm này lượng cổ phiếu niêm yết rất nhiều, 2 sàn gần 800 DN niêm yết, lượng vốn hóa thị trường cũng rất lớn. Nếu như các DN phát hành thêm nữa thì các chỉ số tài chính sẽ không được tốt. Chúng ta nhìn trong báo cáo tài chính có rất nhiều DN nợ ngân hàng gấp 2-3 lần vốn, như vậy đương nhiên họ sẽ phải phát hành huy động để trả nợ ngân hàng để làm cho giá trị sổ sách của mình đẹp hơn”.
Tuy nhiên, không phải tất cả các vụ phát hành đều bị nhà đầu tư quay lưng. Theo họ, nếu là cổ phiếu thật tốt, dự án khả thi tiềm năng cao, nếu phát hành thì họ vẫn quan tâm. Vấn đề mấu chốt cho sự phát hành cổ phiếu thành công hay không đến từ chất lượng của chính DN. Và để làm được điều đó, các DN phải lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư mà họ đã đánh mất trong giai đoạn 2007-2011.