Dấu hiệu của chuyển giá, hiểu sao cho đúng?
Không thể phủ nhận những đóng góp của dòng vốn FDI tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam những năm qua. Tuy nhiên, theo Kiểm toán Nhà nước, tình trạng báo lỗ, chuyển giá liên tục của những doanh nghiệp này đã khiến Ngân sách nhà nước (NSNN) thất thu hàng chục nghìn tỷ đồng trong những năm qua. Quy mô các khoản thu NSNN này không nhỏ khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã chiếm tới khoảng 20% GDP, chiếm khoảng 30% tổng thu NSNN.
Tuy nhiên, trên thực tế có khá nhiều tập đoàn lớn đa quốc gia vì lý do giữ thị trường và thị phần, sẵn sàng kinh doanh lỗ trong nhiều năm và tiếp tục đầu tư để hy vọng có thể thay đổi tình hình trong tương lai. Có nhiều tập đoàn đa quốc gia có thương hiệu mạnh chịu lỗ đến 10 -20 năm để duy trì thương hiệu của họ trên thị trường. Theo Kiểm toán nhà nước, Việt Nam có khoảng 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó, nhiều doanh nghiệp thua lỗ liên tục trong nhiều năm liên tiếp. Tất nhiên nếu chỉ nhìn vào con số nói trên thì không thể khẳng định tất cả những doanh nghiệp này đang chuyển giá bất hợp pháp. Vì vậy các cơ quan quản lý và người tiêu dùng cần đánh giá một cách khách quan và tránh có kết luận vội vàng khi chưa có căn cứ để tránh ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh đã từng chia sẻ quan điểm, "Nếu chỉ căn cứ vào việc một doanh nghiệp nào đó liên tục báo lỗ, nhưng vẫn mở rộng sản xuất và đầu tư, thì chưa đầy đủ, chưa đúng bản chất và thiếu tính thuyết phục, do có vô vàn lý do để xảy ra tình trạng đó... cốt lõi để phát hiện chuyển giá chính là nắm được giá thị trường để làm căn cứ phát hiện và xử lý những giao dịch dựa trên quan hệ liên kết với giá phi thị trường."
Từ góc độ chuyên gia quốc tế, ông Wayne Barford, Cố vấn cấp cao của Trung tâm Thuế và Đầu tư quốc tế, cho rằng chuyển giá là các quy tắc và phương pháp định giá cho các giao dịch nội bộ và giữa các doanh nghiệp thuộc cùng một hệ thống sở hữu hoặc kiểm soát. Do những giao dịch liên kết xuyên biên giới có thể làm thay đổi thu nhập chịu thuế, các cơ quan thuế ở nhiều quốc gia có thể áp dụng những phương pháp xác định giá khác với những phương pháp thông thường dựa trên giá thị trường giữa những doanh nghiệp độc lập.
Việc hiểu rõ về khái niệm "chuyển giá", cũng như xác định rõ bản chất của các giao dịch liên kết và hoạt động chuyển giá trong doanh nghiệp là vô cùng quan trọng để phân định đây là một hoạt động tài chính thông thường hay là một hành vi lạm dụng chuyển giá nhằm mục đích trốn thuế. Khi đã có sự đồng thuận về cách hiểu giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp, các vấn đề đều sẽ được giải quyết trên cơ sở minh bạch, rõ ràng, đảm bảo quyền lợi chính đáng của cả nhà nước và doanh nghiệp.
Cần một hệ thống pháp luật hoàn thiện để thống nhất với thông lệ quốc tế
Theo PGS, TS. Nguyễn Thị Phương Hoa (Trường đại học Kinh tê quốc dân), muốn kiểm soát hành vi chuyển giá phải xác định được hoạt động này diễn ra ở đâu? Doanh nghiệp nào có thể có chuyển giá? Và các dấu hiệu của chuyển giá? Để từ đó tập trung kiểm tra, giám sát.
Bà Hoa nhận định, trong khu vực doanh nghiệp FDI, hành vi chuyển giá thường chỉ xảy ra ở các công ty xuyên quốc gia. Một trong những điểm dễ nhận thấy nhất đối với doanh nghiệp có hiện tượng chuyển giá, theo bà Hòa đó là những doanh nghiệp khai báo lỗ lũy kế liên tục trong khi quy mô hoạt động và doanh số vẫn ổn định, thậm chí tăng trưởng qua từng năm.
Theo TS. Vũ Đình Ánh, muốn xác định được lợi nhuận thực, phải xác định được giá trị đầu tư thực, xác định được doanh thu thực và chi phí thực. Trong khi chúng ta còn quá nhiều lỗ hổng trong quản lý doanh thu, chi phí thực của DN thì hô hào xác định lợi nhuận thực, hay lợi nhuận hoạt động của DN để chống chuyển giá là không thực tế, thiếu khả thi và thiếu hiệu quả. Ông cũng đề xuất cần kiện toàn hệ thống pháp luật chống chuyển giá của Việt Nam bằng cách ban hành Luật Chống chuyển giá, để tất cả các nội dung chống chuyển giá, từ phòng ngừa, ngăn chặn, đến phát hiện, xử lý hành vi chuyển giá đều được quy định trong luật này.
Từ góc nhìn của các nhà đầu tư nước ngoài, Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Amcham Hà Nội cũng từng bày tỏ quan điểm rằng các cơ quan quản lý và người tiêu dùng nên có cách nhìn công bằng hơn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, không nên vội qui kết rằng họ chuyển giá, trốn thuế chỉ vì họ kinh doanh không có lãi trong nhiều năm. Theo ông, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, các giao dịch liên kết và xuyên quốc gia sẽ ngày càng nhiều hơn. Do đó cần thiết phải có những phương pháp xác định các mức giá phù hợp đối với các giao dịch này, bao gồm cả các giao dịch hữu hình, vô hình, dịch vụ, tài chính hay phân bổ chi phí/cổ phần.
Chuyển giá: Hiểu đúng để xử lý đúng (Ảnh minh họa)
Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) một biện pháp hiệu quả trong việc quản lý những rủi ro về giá, cũng đã được nghiên cứu để áp dụng trong quản lý thuế ở Việt Nam, nhưng đến nay vẫn chưa thực sự được triển khai. Theo ông Mark Gillin, - Trưởng nhóm công tác Thuế và Hải quan, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), mô hình phổ biến nhất để thực hiện điều này là của Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) với nguyên tắc cơ bản là khái niệm "giá thị trường". OECD đã giải quyết vấn đề không rõ ràng này bằng cách cung cấp các hướng dẫn liên quan đến thỏa thuận trước về giá. Theo đó, các doanh nghiệp có thể cung cấp cơ sở cho việc định giá của bên liên quan cho cơ quan thuế phê duyệt trước khi thực hiện giao dịch.
Các thỏa thuận này giúp đảm bảo chắc chắn cho doanh nghiệp, đồng thời mang lại hiệu quả cao cho Chính phủ. Việt Nam đã áp dụng nguyên tắc của OECD tại một số văn bản pháp lý về quản lý thuế nhưng chưa ký kết được thỏa thuận nào.
"Việc không có các thỏa thuận như vậy ngày càng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và hệ thống kiểm toán nói chung. Quá trình kiểm toán mất nhiều thời gian hơn, không đảm bảo tính chính xác và thiên về nhận định chủ quan hơn, dẫn đến nguy cơ phát sinh tranh chấp", ông Mark Gillin nhấn mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!