Chuyển đổi xanh: Chìa khóa xuất khẩu bền vững vào EU

Bài và ảnh: Kate Trần-Thứ hai, ngày 02/09/2024 17:06 GMT+7

VTV.vn - Chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu, đặt ra nhiều cơ hội cũng như hàng loạt thách thức mới cho doanh nghiệp nước ta.

Liên minh châu Âu (EU) – một trong những thị trường xuất khẩu chủ đạo của hàng Việt đang ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về tiêu chuẩn sản xuất – hàng hóa bền vững. Vì vậy, chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu, đặt ra nhiều cơ hội cũng như hàng loạt thách thức mới cho doanh nghiệp nước ta.

Không doanh nghiệp nào đứng ngoài cuộc

Sau những thăng trầm đến từ đại dịch và khủng hoảng kinh tế, ngành dệt may đang bắt đầu hồi phục với những đơn hàng xuất khẩu gia tăng đều đặn từ đầu năm đến nay. Theo số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng 7 tháng năm 2024 ước đạt hơn 23,6 tỷ USD, tăng gần 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, dự kiến, đến cuối năm nay, dệt may Việt Nam có 7 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu tỷ USD.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực dệt may, yêu cầu về sản xuất xanh đã được đề cập từ lâu nhưng đã trở thành vấn đề cấp bách từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ sẽ giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26, xu thế xanh hóa ngành dệt may để đáp ứng yêu cầu hiện tại và xu thế tương lai càng được các doanh nghiệp chú trọng.

Tuy nhiên, theo ông Trường, để tăng trưởng xuất khẩu nói chung và hướng đến thị trường tiềm năng hàng đầu EU nói riêng, dệt may Việt Nam cần tăng tốc chuyển đổi xanh. Bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng thì tiêu chí xanh - phát triển bền vững vô cùng quan trọng và không thể lơ là. Do đó, các doanh nghiệp dệt may cần có chú tâm và chiến lược về vấn đề này.

Dưới góc độ của một trong những doanh nghiệp tiên phong thực hiện chính sách xanh, ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, để chuẩn bị cho mục tiêu dài hạn là tiếp tục mở rộng sản xuất nhằm đón những làn sóng phục hồi trong thời gian tới, doanh nghiệp chú trọng vào phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực. “Đặc biệt, nhiều nước tại thị trường EU đã yêu cầu sản phẩm dệt may phải có tuổi thọ lâu dài, có thể tái chế, tái sử dụng được để giảm tiêu thụ tài nguyên, giảm gây hiệu ứng nhà kính, giảm sử dụng nước và hóa chất độc hại. Do đó, từ cuối năm 2019, Tổng công ty đã dần chuyển dịch sang sản xuất xanh, bắt đầu từ đầu tư thiết bị tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tái tạo như điện Mặt trời… May 10 đang ký thỏa thuận với các nhà cung ứng nguyên vật liệu trong nước và quốc tế với mục tiêu tăng tỷ trọng sử dụng sợi tái chế trong sản phẩm, tăng sử dụng sợi hữu cơ đối với những sản phẩm mới để có thể đáp ứng yêu cầu về xanh hóa”, ông Việt chia sẻ thêm.

Cần sự hỗ trợ của Nhà nước

Chuyển đổi xanh: Chìa khóa xuất khẩu bền vững vào EU - Ảnh 2.

“Trước áp lực “xanh hóa” của nền công nghiệp toàn cầu, cần có sự đồng hành của Nhà nước

Việt Nam phải giải bài toán vừa hướng tới một nền kinh tế carbon thấp đồng thời có tốc độ phát triển vượt bậc để góp phần thúc đẩy Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Bởi vậy, theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp dệt may không thể đứng ngoài xu hướng hiện đại, xanh hóa. 

Theo các chuyên gia, Thỏa thuận Xanh không chỉ giới hạn trong EU mà còn ảnh hưởng đến các quốc gia khác, nhất là những nước có quan hệ thương mại lớn với EU như Việt Nam. Ðiều này có nghĩa, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang EU cũng cần tuân thủ các tiêu chuẩn và yêu cầu mới do Thỏa thuận Xanh đặt ra. Thực tế sau 4 năm thực hiện Thỏa thuận Xanh, EU đã ban hành nhiều chính sách tác động trực tiếp đến hàng hóa nhập khẩu. Có thể kể đến Chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” (F2F) và Kế hoạch hành động Kinh tế tuần hoàn mới (CEAP), tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất chế biến. Ngoài ra, các chính sách về đa dạng sinh học, cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới (CBAM) cũng đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt đối với hàng nhập khẩu. Theo đó, từ nay đến năm 2030, CBAM sẽ đánh thuế đối với các mặt hàng sắt thép, nhôm, xi-măng, phân bón, hydro nếu không đạt được mức phát thải phù hợp và tương lai có thể mở rộng thêm với hàng thủy sản, dệt may, da giày…

Theo Chiến lược phát triển dệt may bền vững và tuần hoàn mà EU công bố tháng 3/2022, nguồn thải từ dệt may là nguồn thải lớn nhất, nếu áp dụng biện pháp xử lý thông thường là đốt, chôn lấp như hiện nay thì chi phí là rẻ nhất nhưng gây ảnh hưởng xấu tới môi trường. Thậm chí, một số loại sản phẩm sử dụng sợi tổng hợp không thể tiêu hủy hết dù chôn lấp hàng trăm năm, do vậy, yêu cầu EU đặt ra là phải tái chế được hoàn toàn.

Thực tế cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành nghề chủ đạo như: dệt may, da giày, sắt thép… đã thích ứng rất nhanh với xu thế xanh hóa sản xuất. Các doanh nghiệp đã linh hoạt, nhanh nhạy cơ cấu lại dây chuyền sản xuất, công nghệ, mô hình để chuyển đổi từ sản xuất hàng dệt may có tính chuyên môn hóa cao sang các mặt hàng sản xuất nhanh, đơn hàng nhỏ, có sự cạnh tranh cao về giá, chất lượng, thời gian giao hàng… Đến nay, nhiều nhà máy đã lắp đặt được các hệ thống điện áp mái, sản xuất sản phẩm từ năng lượng Mặt trời, chuyển đổi lò đốt hơi sử dụng nguyên liệu hóa thạch sang lò hơi điện, giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường, đáp ứng các tiêu chuẩn về ESG, tập trung các chỉ tiêu xanh, sản xuất sạch và nguyên liệu, sản phẩm tuần hoàn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng liên tục cập nhật những yêu cầu về thuế biến đổi carbon, phát triển bền vững, thẩm định chuỗi cung ứng... để bám sát xu hướng xanh hóa của các thị trường.

Chuyển đổi xanh: Chìa khóa xuất khẩu bền vững vào EU - Ảnh 4.

Các doanh nghiệp cũng liên tục cập nhật những yêu cầu về thuế biến đổi carbon để bám sát xu hướng xanh hóa

Trao đổi với phóng viên VTV Times, Tiến sĩ Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhấn mạnh: “Trước áp lực “xanh hóa” của nền công nghiệp toàn cầu, cần có sự đồng hành của Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược xanh hóa thông qua việc đầu tư các nhà máy có hạ tầng đạt chuẩn đánh giá của các nhãn hàng, từ môi trường làm việc, nước thải, khí thải đến việc phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo. Song song với đó, để khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ theo cam kết COP26, Chính phủ nên có Quỹ tài nguyên môi trường hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xanh với nguồn vốn vay lãi suất thấp”./.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước