Chứng khoán xô đổ mọi kỷ lục, dân Việt vay tiền đầu tư cổ phiếu ra sao?

Theo Dân trí-Thứ hai, ngày 07/06/2021 06:00 GMT+7

VTV.vn- Tuần qua là tuần sôi động với TTCK. Thanh khoản lẫn chỉ số đều xô đổ kỷ lục mọi thời đại và lần đầu tiên xảy ra tình trạng HSX chỉ giao dịch được nửa ngày vì… tiền quá tải.

Tiền quá tải

Đó là điều chưa từng có trong lịch sử thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, giá trị giao dịch chỉ trong phiên buổi sáng đã vượt 20.000 tỷ đồng. Riêng sáng 1/6, giá trị giao dịch trên sàn HSX đã vượt mức 21.700 tỷ đồng.

Bảng điện tử đứng yên. Tại một số công ty chứng khoán, bảng giá bị "loạn" không hiển thị đúng khối lượng và giá dư mua, dư bán. Theo đó, nhà đầu tư bị "bịt mắt dò đường", không còn cách nào khác để giao dịch cổ phiếu ngoài việc đặt lệnh thị trường (MP).

Tuy nhiên, lệnh MP (mua/bán bằng mọi giá, ưu tiên khớp ngay lập tức) càng khiến hệ thống trở nên tắc nghẽn. Thậm chí, nhà đầu tư còn không rõ chỉ số VN-Index đang tăng hay giảm và mức độ tăng/giảm ra sao...

Chứng khoán xô đổ mọi kỷ lục, dân Việt vay tiền đầu tư cổ phiếu ra sao? - Ảnh 1.

Sàn HSX phải đóng cửa sớm trong ngày 1/6 do dòng tiền đổ vào quá mạnh (Ảnh minh họa: Hải quan).

Mua không được, bán không xong, nhiều nhà đầu tư hài hước ví von rằng, họ trở thành khán giả bất đắc dĩ trước một bộ phim quay chậm với tình tiết, diễn biến bị cắt cúp không theo logic nào.

Đỉnh điểm là lãnh đạo HSX đã phải đưa ra một quyết định chưa có tiền lệ, đó là ngừng giao dịch do sự cố nghẽn lệnh.

Trong văn bản gửi các công ty chứng khoán thành viên và các bên liên quan, ông Lê Hải Trà - CEO Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSX) - cho hay, thanh khoản kỷ lục đã "dẫn đến tình trạng báo động đối với an toàn của hệ thống".

"Được sự chấp thuận của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM công bố ngừng giao dịch ngày 1/6. Giá đóng cửa của chứng khoán ngày 1/6 là giá khớp lệnh cuối cùng trong buổi sáng" - phía HSX thông báo.

Chỉ giao dịch nửa phiên, VN-Index ghi nhận mức tăng 9,73 điểm tương ứng 0,73% lên 1.337,78 điểm; VN30-Index tăng 8,14 điểm tương ứng 0,55% lên 1.482,92 điểm. Thanh khoản trên sàn này đạt 629,42 triệu cổ phiếu tương ứng 21.762,12 tỷ đồng.

Nguồn tiền như vũ bão, chứng khoán Việt Nam lập kỷ lục mới

Chưa bao giờ TTCK Việt Nam lại chứng kiến một dòng tiền mạnh mẽ như vậy đổ ập vào mua cổ phiếu như những ngày gần đây.

Bất chấp những lo ngại cho rằng thị trường "quá cao" hay giá một số cổ phiếu đắt đỏ, VN-Index vẫn vượt qua mọi lực cản, lừng lững đi lên. Dường như mọi lý thuyết và mọi sự phân tích đều trở nên yếu ớt trước làn sóng đầu tư cuồn cuộn, lượng tiền như thác lũ đổ vào sàn.

Phiên giao dịch ngày 3/6, sàn HSX vẫn tắc nghẽn. Tuy vậy, thống kê cuối phiên cho thấy, tổng giá trị giao dịch trên sàn này lên tới 29.308,78 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch đạt 898,88 triệu cổ phiếu.

Nhiều công ty chứng khoán vẫn tiếp tục triển khai phương án "khóa" tính năng sửa lệnh đối với giao dịch cổ phiếu trên HSX và đề nghị nhà đầu tư hạn chế các thao tác hủy, sửa để giảm tải hệ thống, tránh gây tắc nghẽn cho sàn này.

Tổng thanh khoản cả 3 sàn là 36.542,3 tỷ đồng, tiếp tục lập kỷ lục mới về dòng tiền trong lịch sử giao dịch của thị trường chứng khoán. Nhờ hỗ trợ của nguồn tiền mạnh, VN-Index bật tăng 23,5 điểm tương ứng 1,75% lên 1.364,28 điểm, lập đỉnh mới (tính đến thời điểm trên).

Ông Lê Hải Trà - CEO HSX - cho hay, sự đồng lòng, chung tay của các công ty chứng khoán, nhà đầu tư đối với việc kiểm soát sửa/hủy lệnh đã giúp cho tỷ lệ sửa/hủy lệnh giảm từ bình quân 33,5% xuống dưới 18%. Điều này đã tăng thêm số lượng lệnh giao dịch của các nhà đầu tư được khớp, đưa giá trị khớp lệnh lập kỷ lục.

Chứng khoán xô đổ mọi kỷ lục, dân Việt vay tiền đầu tư cổ phiếu ra sao? - Ảnh 2.

Dư nợ margin đến cuối tháng 5 đã lên tới con số 112.100 tỷ đồng song vẫn trong khả năng kiểm soát (Ảnh minh họa: TTXVN).

Bộ trưởng Tài chính "lệnh" quản chặt xổ số, thông đường cho chứng khoán

Trong tuần qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có buổi làm việc trực tuyến với các đơn vị khối thị trường tài chính thuộc Bộ này. Tại sự kiện này, ông Phớc đánh giá, mặc dù TTCK thời gian qua đã bùng nổ phát triển mạnh mẽ song so với thế giới thì thị trường của chúng ta còn rất mới mẻ.

Ông Phớc nhấn mạnh, hiện tượng nghẽn lệnh vừa qua phải được đặc biệt quan tâm, "phải khắc phục, phải làm hết sức quyết liệt và dùng biện pháp mạnh", bởi vì "ách tắc là thiệt hại".

Đối với công tác quản lý Nhà nước, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh đã tương đối tốt, từ khâu hoàn thiện thể chế, giám sát hoạt động đến điều hành linh hoạt. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng thao túng giá, giả mạo giấy tờ, vi phạm trong hợp đồng, cần tập trung thanh tra, kiểm soát.

Bộ trưởng Tài chính yêu cầu, đối với quản lý lĩnh vực xổ số kiến thiết và trò chơi có thưởng, cần quản lý chặt chẽ , gắn với phát triển du lịch, tránh phát sinh tệ nạn xã hội và phải coi "đây là mục tiêu cao nhất".

Theo báo cáo của ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - về cổ phần hóa, thoái vốn, gắn với niêm yết trên TTCK, vừa qua đã ban hành đẩy đủ hệ thống các quy định mới về cổ phần hóa thoái vốn.

Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung xây dựng sau cổ phần hóa lên sàn Upcom quyết liệt hơn, để đảm bảo các doanh nghiệp lớn khi niêm yết thành công.

Dư nợ margin đạt 112.100 tỷ đồng, mặt bằng chứng khoán đã lên cao

Theo ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), dòng tiền vào TTCK bằng nhiều kênh khác nhau, chủ yếu đến từ dòng tiền của nhà đầu tư trong nước.

Kỳ vọng tăng trưởng kinh tế vĩ mô, công tác phòng chống dịch hiệu quả, mặt bằng lãi suất thấp, nhiều kênh đầu tư kém hấp dẫn hơn… là những nguyên nhân chính giúp dòng tiền tìm đến với TTCK thời gian qua. Chính vì thế, dòng tiền vào TTCK gia tăng không chỉ đến từ dòng tiền margin.

Tuy vậy, theo thống kê, dư nợ margin đã liên tục tăng trong thời gian qua. Lãnh đạo UBCKNN cho biết, tính tới ngày 31/5, dư nợ margin toàn thị trường đã đạt 112.100 tỷ đồng, tăng 31.200 tỷ đồng so với cuối năm 2020 và tăng 10.700 tỷ so với cuối quý I/2021.

"Thời gian gần đây, một số công ty chứng khoán đã có dấu hiệu cho vay margin chạm trần (không gấp 2 lần vốn chủ sở hữu). Chúng tôi cho rằng, việc thị trường tăng trưởng mạnh nên dư nợ margin tăng cũng là điều dễ lý giải" - ông Phạm Hồng Sơn nhìn nhận.

Lãnh đạo UBCKNN cho rằng, mặc dù dư nợ margin vẫn trong khả năng kiểm soát, tuy nhiên việc con số này tăng liên tục và dự báo sẽ còn tăng nữa thì cần tăng cường thanh tra, giám sát để đảm bảo việc cho vay margin là đúng pháp luật, an toàn cho công ty chứng khoán và an toàn bền vững cho dòng tiền trên TTCK.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước