Chứng khoán Việt Nam đang “đắt” hay “rẻ”?

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 25/06/2021 05:55 GMT+7

VTV.vn - VN-Index liên tục chinh phục các đỉnh cao mới, nhiều cổ phiếu tăng hàng trăm % chỉ trong 1 năm. Vậy chứng khoán đang “đắt” hay “rẻ”?

Ngày 24/6, chứng khoán tăng điểm nhưng đáng lưu ý là thanh khoản trên sàn HOSE đã sụt giảm về còn hơn 18.000 tỷ đồng, dưới mức trung bình 20 phiên gần nhất. Giao dịch hạ nhiệt liệu có liên quan đến câu chuyện định giá thị trường có đang quá cao hay không? Để phân tích vấn đề này, một câu hỏi được đặt ra: Cùng là cổ phiếu ngành thép HPG giá khoảng 50.000 đồng/cổ phiếu rẻ hơn, hay PAS giá khoảng 14.500 đồng/cổ phiếu đang rẻ hơn?

Theo góc nhìn của phóng viên thường theo dõi mảng bất động sản, về mặt thị giá thì PAS chỉ rẻ bằng 1/4 HPG. Thị giá rẻ hơn nhưng để nói về tính đắt rẻ của cổ phiếu hãy so sánh chỉ số P/E (thị giá/lợi nhuận mỗi cổ phiếu) hay P/B (thị giá/giá trị sổ sách). HPG có P/E khoảng 12 còn PAS là 50, có nghĩa là 1 đồng vốn mua HPG hiện cần khoảng 12 năm để thu hồi vốn còn PAS là 50 năm.

Rút ra từ so sánh này để thấy rằng giá cao không có nghĩa là đắt và giá thấp không có nghĩa là rẻ. Đây cũng là cách nhìn vào VN-Index hiện nay. Dù bây giờ VN-Index đang lên gần vùng 1.400 điểm nhưng so sánh với các giai đoạn "nóng" khoảng 1.200 điểm khác của thị trường như năm 2007 P/E ở mức 31,4 và P/B là 8,9 hay 2018 P/E lên tới 23, thì P/E thị trường hiện nay khoảng 18 cho thấy mức tăng hiện nay chưa qua nóng.

Chứng khoán đang "đắt" hay "rẻ"?

"Rẻ hay đắt còn phải nhìn vào kỳ vọng tương lai. Tăng trưởng của các doanh nghiệp và ngân hàng. VN-Index với mức tăng khoảng 20%, ước tính P/E sẽ rơi về tầm 17, nó lại rẻ đi tương đối", ông Nguyễn Minh Hoàng - chuyên viên cao cấp - Phân tích - CTCK Nhất Việt cho biết.

Với kỳ vọng về tăng trưởng lợi nhuận năm nay, thị trường chứng khoán đang không đắt nhưng theo các chuyên gia có một số cổ phiếu định giá đang không còn rẻ.

Chứng khoán Việt Nam đang “đắt” hay “rẻ”? - Ảnh 1.

Thống kê của Chứng khoán Nhất Việt.

Nhìn vào thống kê của Chứng khoán Nhất Việt, nhóm ngành nào có đường trượt xuống càng dốc cho thấy định giá vẫn còn hấp dẫn. Trong khi bất động sản, bán lẻ còn dư địa tăng trưởng thì nhóm tài nguyên cơ bản hiện nay đang có phần cao hơn mức hợp lý.

Hay ở một nhóm ngành khá nhiều nhà đầu tư quan tâm là ngân hàng - tăng khá nóng thời gian qua. P/B ngành hiện khoảng 2,52 nhưng với ước tính lợi nhuận tốt năm nay, P/B dự phóng đang vào khoảng 2,20. Tuy nhiên, theo chuyên gia, không phải cổ phiếu ngân hàng nào cũng đang hấp dẫn, sẽ có sự phân hóa bởi rủi ro nợ xấu dần bộc lộ dựa trên cấu trúc kinh doanh.

HOSE: Hệ thống giao dịch mới giải quyết triệt để tình trạng nghẽn lệnh

Với nhóm chứng khoán, hiện có P/B vào khoảng 2,1 nếu so với con số trung bình 3 năm khoảng 1,2 thì cũng đắt nhưng ước tính với triển vọng môi trường lãi suất thấp, lượng nhà đầu tư mở mới tăng kỷ lục, kết quả kinh doanh ngành dự báo rất khả quan trong năm nay với P/B vào khoảng 1,4. Đặc biệt, hệ thống giao dịch mới đang chuẩn bị đi vào hoạt động để gỡ nút thắt cho nguồn tiền khổng lồ.

Tình trạng nghẽn lệnh, lại còn cấm nhà đầu tư huỷ/sửa lệnh sẽ không còn nữa, khi hệ thống giao dịch mới được FPT phối hợp với HOSE xây dựng chính thức sẽ được vận hành vào cuối tháng 6. Do hệ thống mới được điều chỉnh từ hệ thống giao dịch hiện tại của HNX nên các công ty chứng khoán sẽ quen và tương thích về các yêu cầu kỹ thuật.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - quyền Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán VNDIRECT cho biết: "Chúng tôi cũng đã test lượng lệnh đẩy về HNX thành công với 1 triệu lệnh 1 ngày. Tôi nghĩ chúng tôi đã rất sẵn sàng cho việc kết nối hệ thống mới".

"Một số công ty đang dùng robot để gửi lệnh, chúng tôi cũng phải kiểm tra, đánh giá và thử nghiệm bằng các công cụ test để có thể đảm bảo ngưỡng mà lệnh giao dịch trên 1 giây vượt hơn rất nhiều so với ngưỡng hiện nay", ông Dương Dũng Triều - Chủ tịch HĐQT CTCP Hệ thống thông tin FPT nói.

Ông Lê Hải Trà - Tổng Giám đốc HOSE cho hay: "Đến nay có thể vào những bước cuối cùng và có thể báo cáo Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán để chuẩn bị sẵn sàng cho việc đưa hệ thống vào hoạt động chính thức. Từu đó giải quyết một cách triệt để tình trạng quá tải trong vòng 6 tháng qua".

Chứng khoán Việt Nam đang “đắt” hay “rẻ”? - Ảnh 2.

VN-Index đã liên tục chinh phục các đỉnh cao mới, nhiều cổ phiếu tăng hàng trăm % chỉ trong 1 năm. Ảnh minh họa - Báo Đầu tư

Chiều 24/6, Ban chỉ đạo chống nghẽn lệnh của Bộ Tài chính đã có cuộc họp và có thể ngày chính thức áp dụng hệ thống mới sẽ được công bố trong vài ngày tới. Lệnh có thể thông hoàn toàn ở hệ thống mới và dòng tiền có thể được khơi thông để thanh khoản tăng mạnh.

Dòng tiền hiện nay đang khá giằng co khi thị trường trong vùng trũng thông tin. Tháng 6 sang tháng 7 được đánh giá là giai đoạn có nhiều thông tin hỗ trợ, từ một hệ thống giao dịch mới cho đến bức tranh kết quả kinh doanh quý II sẽ là căn cứ để thị trường định giá lại các nhóm ngành cổ phiếu.

Tuy nhiên, có những cổ phiếu kết quả kinh doanh có thể chưa phục hồi ngay nhưng giá vẫn sẽ tăng. Như ngành dệt may giai đoạn cuối năm ngoái bốc đầu tăng 3 - 4 lần, thậm chí 10 lần dù nhiều kênh xuất khẩu đóng băng bởi thị trường nhìn trước được COVID-19 qua đi tại các nền kinh tế lớn, nhu cầu nhập khẩu sẽ lớn. Dệt may từ chỗ thiếu đơn hàng nay đang thiếu lao động để làm hàng.

Hay 1 tháng qua cổ phiếu dầu khí đã tăng phi mã trước triển vọng giá dầu thế giới sau khi vượt mốc 70 USD sẽ về mốc 100 USD trong năm nay. Đấy là nét đẹp của thị trường chứng khoán, thị trường của sự kỳ vọng. Với một nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng dương giữa dịch bệnh sẽ có khá nhiều câu chuyện để làm chất xúc tác trong đầu tư.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước