Thông tin được cả thị trường chờ đón đêm qua (5/10) chính là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ được xuất viện trong hôm nay (6/10) sau 3 ngày điều trị mắc COVID-19 tại trung tâm quân y quốc gia Walter Reed.
Cả 3 chỉ số chính đều tăng điểm mạnh quanh ngưỡng 2%, xoá tan mọi lo lắng về sự bất ổn có thể xảy ra với thị trường tài chính phố Wall trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào ngày 3/11 tới. Tuy nhiên, liệu các nhà đầu tư đã có thể tạm thở phào nhẽ nhõm và an tâm xuống tiền hay chưa? Xung quanh vấn đề này, phóng viên Lê Tuyển - Thường trú Đài THVN tại Mỹ đã cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Thị trường xanh điểm với những tín hiệu tích cực liên quan đến sức khỏe của ông Trump và gói kích thích kinh tế mới. Nhưng Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE - thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên phố Wall - lại tăng mạnh đêm qua. Tại sao lại như vậy thưa anh? Các nhà đầu tư đang lo sợ điều gì?
Phóng viên Lê Tuyển: Các nhà đầu tư nhạy cảm đang theo sát từng diễn biến sức khỏe của Tổng thống Donald Trump và trang twitter cá nhân của ông.
Ông Trump đã rời Trung tâm Y tế Quân đội Walter Reed từ lúc 6h30 ngày 5/10 (tức 5h ngày 6/10, giờ Việt Nam). Các nhà đầu tư hy vọng rằng việc ông Trump được xuất viện sớm sẽ không ảnh hưởng tới tiến độ bầu cử và gói kích thích kinh tế sẽ sớm được Quốc hội thông qua.
Mặc dù bác sĩ riêng của ông Trump cho báo chí biết, tình hình sức khỏe của ông đang tiến triển tốt, nhưng cũng thận trọng là vẫn còn rủi ro tiềm ẩn. Đây có thể là nguyên nhân chính dẫn tới việc một số nhà đầu tư nhạy cảm vẫn còn lo lắng.
Thị trường đang trong giai đoạn nhạy cảm như vậy, trong khi cuộc bầu cử đang tới gần. Dự đoán tiếp theo đối với diễn biến của thị trường là gì, thưa anh Lê Tuyển?
Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: Bloomberg)
Phóng viên Lê Tuyển: Dự đoán những gì sẽ xảy ra với thị trường thời gian tới là câu hỏi khó đối với bất cứ ai nhưng cũng có cách để có thể tham khảo đó là nhìn lại những gì đã từng xảy ra.
Ngày 5/10, tôi nhận được thống kê của Chuyên gia Sam Stovall từ công ty tư vấn đầu tư CFRA. Theo đó, trong lịch sử 100 năm qua của nước Mỹ, không ít Tổng thống đương nhiệm vướng phải các vấn đề về sức khỏe và ít nhiều có những ảnh hưởng tới thị trường.
Ảnh hưởng mạnh nhất là vào tháng 9/1955, khi Tổng thống Eisenhower bị đau tim. Chỉ số Công nghiệp Dow Jones khi đó mất 10% giá trị và mất 75 ngày để hồi phục.
Còn liên quan tới virus, tháng 4/1919, Tổng thống Wilson cũng bị mắc cúm Tây Ban Nha. Dow Jones mất 1,5% và 4 ngày để phục hồi hoàn toàn.
Các sự kiện khác có tác động không lớn, trên dưới 1% giá trị đối với Dow Jones. Từ các thống kê này cho thấy hầu hết thời gian chứng khoán Mỹ vẫn là hàn thử biểu của các diễn biến kinh tế hơn là sự kiện chính trị.
Tuần này, các nhà đầu tư Mỹ đang quan tâm tới một số diễn biến về kinh tế như:
* Thứ 4 (giờ Việt Nam), số liệu về thương mại sẽ được công bố. Dự kiến thâm hụt thương mại tiếp tục phình to.
* Cùng ngày, Chủ tịch FED - ông Powell sẽ có bài phát biểu trực tuyến về triển vọng kinh tế Mỹ.
* Thứ 5 (giờ Việt Nam), biên bản cuộc họp tháng 9 của FED cũng được công bố, cho biết quan điểm của các thành viên FED về việc tăng/giảm lãi suất.
* Thứ 6 (giờ Việt Nam) là báo cáo việc làm của Mỹ. Thông tin gần đây cho thấy số người xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ tiếp tục tăng trong những tuần gần đây.
Rõ ràng đây sẽ là giai đoạn nhạy cảm nhất của thị trường chứng khoán Mỹ bởi mỗi lệnh mua vào hay bán ra đều có phần chịu ảnh hưởng bởi cuộc bầu cử.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!