Chứng khoán đỏ lửa

PV-Thứ hai, ngày 29/08/2022 12:57 GMT+7

(Ảnh minh họa)

VTV.vn - Áp lực bán mạnh xuất hiện trên diện rộng khiến thị trường chứng khoán phiên sáng nay (29/8) chìm trong sắc đỏ, các chỉ số chung đồng loạt lao dốc mạnh.

Kết phiên sáng nay, sàn HOSE chỉ có 31 mã tăng và có tới 430 mã giảm (8 mã giảm sàn), VN-Index giảm 30,3 điểm (-2,36%) xuống 1.252,27 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 375,67 triệu đơn vị, giá trị 9.298,62 tỷ đồng, tăng 35,66% về khối lượng và 29,15% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 26/8. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 19,89 triệu đơn vị, giá trị 568 tỷ đồng.

Trên sàn Hà Nội, thị trường cũng lao dốc mạnh và chỉ số HNX-Index bốc hơi hơn 3%. Chốt phiên, sàn HNX có 35 mã tăng và 161 mã giảm, HNX-Index giảm 9,11 điểm (-3,04%) xuống mức thấp nhất phiên 299,8 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 51,7 triệu đơn vị, giá trị 991 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,6 triệu đơn vị, giá trị 27,41 tỷ đồng.

UpCoM-Index giảm 1,99 điểm (-2,15%) xuống 90,88 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 31,38 triệu đơn vị, giá trị 544,71 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,34 triệu đơn vị, giá trị 7,83 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chỉ có duy nhất MSN giữ được mốc tham chiếu, còn lại đồng loạt giảm điểm. Trong đó, đại diện nhóm cổ phiếu chứng khoán là SSI giảm sâu nhất khi sụt giảm 4,6%, chốt phiên đứng tại mốc 23.650 đồng/cổ phiếu và thanh khoản vẫn thuộc top 3 của thị trường khi có 19,69 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ngoài ra, một số mã lớn khác như PLX, HPG, VIC, GVR, VHM, FPT, TCB, BID có mức giảm trên 2%.

Về nhóm ngành, nhóm chứng khoán giảm mạnh nhất thị trường thị trường khi các mã đồng loạt hiện sắc đỏ. Bên cạnh SSI, các mã khác trong nhóm cũng lùi sâu như VND giảm 5,6% xuống mức 21.150 đồng/cổ phiếu, VDS giảm sàn, BSI giảm 6,5%, AGR và APG cùng giảm 6,4%, VIX và TVB giảm 6%, CTS giảm 5,9%, HCM giảm 5,6%, ORS giảm 5,4%, FTS giảm 5,3%, VCI giảm 4,3%...

Nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng cũng đồng loạt mất điểm với đà giảm chủ yếu trên 1 - 2%. Đáng chú ý, HDB, TPB, STB, SHB giảm hơn 3%.

Nhóm cổ phiếu thép cũng tìm về vùng giá thấp trong phiên với HPG giảm 3,2% xuống mức 22.750 đồng/cổ phiếu và khớp 10,9 triệu đơn vị, cặp HSG và NKG cùng giảm hơn 4% với khối lượng khớp lệnh đều đạt hơn 8 triệu đơn vị, các mã khác cũng có mức giảm trên dưới 3%.

Cùng chung diễn biến bi quan từ thị trường, nhóm cổ phiếu bất động sản không khả quan hơn khi màu đỏ vẫn là chủ đạo. Trong đó, các mã lớn VHM, VIC, NVL giảm trên dưới 2%. Các mã đáng chú ý như DXG giảm 6,3%, KBC giảm 6,2%, CII giảm 6%, HQC giảm 4,8%, DIG giảm 4,6%, BCG giảm 5,4%...

Nhóm cổ phiếu phân bón phân hóa nhẹ, bên cạnh BFC tăng 3,7%, cặp DPM và DCM cùng tăng hơn 1%, các mã khác như LAS, PMB, PSW, TSC, VAF chốt phiên nới rộng đà giảm.

Ở chiều ngược lại, một số mã lội ngược dòng khá ngoạn mục, điển hình là KPF vẫn duy trì mức tăng tốt, kéo dài chuỗi ngày vui. Tạm chốt phiên sáng nay, KPF tăng 6% lên mức 22.000 đồng/cổ phiếu và khớp gần nửa triệu đơn vị.

Ngoài ra, cổ phiếu nhỏ PTL tiếp tục có phiên tăng trần thứ 2 sau thông tin nhiều cá nhân có liên quan đến một ông lớn bất động sản đang là cổ đông lớn. Tạm chốt phiên sáng, PTL tăng trần lên mức giá 7.210 đồng/cổ phiếu và dư mua trần khá lớn, lên tới gần 1,6 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, đây là phiên đầu tiên áp dụng quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán mới. Theo đó, nhà đầu tư có thể bán chứng khoán mua ngày T+0 ngay trong phiên giao dịch chiều ngày T+2 thay vì chờ đến ngày T+3 như trước đây.

Đúng như dự đoán của nhiều chuyên gia, việc rút ngắn thời gian thanh toán giao dịch chứng khoán giúp thanh khoản của thị trường tăng mạnh. Kết thúc phiên sáng, thanh khoản của cả 3 sàn vượt 14.000 tỷ đồng, tương đương 74% so với thanh khoản cả phiên 26/8.

Khối ngoại có phiên bán ròng thứ 2 liên tiếp với 163 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các mã như TLG (CTCP Tập đoàn Thiên Long - 30,5 tỷ đồng), FUEVFVND (Quỹ ETF DCVFMVN Diamond - 20,4 tỷ đồng), HDB (HDBank - 19,7 tỷ đồng), HPG (CTCP Tập đoàn Hòa Phát - 16,5 tỷ đồng).

Trong khi cổ phiếu bán lẻ, tiêu biểu như MSN, VNM (CTCP Sữa Việt Nam) nhận được dòng tiền mua ròng lần lượt là 18,6 tỷ đồng13,3 tỷ đồng, VHM (CTCP Vinhomes) được mua ròng 11,4 tỷ đồng. Những cổ phiếu khác như VCB, SSI, PVD, PVT chỉ nhận được dòng tiền mua ròng dưới 10 tỷ đồng.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước