Chính sách mới hỗ trợ ngư dân bám biển - Bước ngoặt lớn cho hàng triệu ngư dân Việt

PV-Thứ năm, ngày 03/07/2014 20:43 GMT+7

Nhật Bản chuyển giao công nghệ câu cá ngừ đại dương cho ngư dân Bình Định. Ảnh: Lao Động

Lần đầu tiên, những chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển phát triển thủy sản của Chính phủ ban hành được nhiều chuyên gia và ngư dân đánh giá là toàn diện, đầy đủ nhất từ trước tới nay.

Chính phủ đang trong quá trình hoàn thiện một số chính sách về ngành thủy sản - một quyết định được đánh giá là mang tính chất lịch sử cho công cuộc mưu sinh bám biển của hàng triệu ngư dân Việt Nam. Đó cũng là chủ đề chính được đề cập trong chương trình Đối thoại chính sách tuần này với sự tham gia của các khách mời: ông Lê Hữu Lộc - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tàu cá ngừ tại Bình Định.

Theo chính sách mới, các ngư dân sẽ được hỗ trợ để đóng tàu vỏ sắt, các chủ tàu sẽ được ưu đãi để đóng tàu dịch vụ hậu cần nghề cá đảm bảo việc cung ứng, thu mua sản phẩm thủy sản ngay ngoài khơi để ngư dân có thể yên tâm đánh bắt trên biển dài ngày, còn các trung tâm hậu cần nghề cá trên bờ sẽ được sử dụng để phục vụ từng ngư trường truyền thống của Việt Nam. Đây được đánh giá là chính sách hoàn thiện nhất từ trước đến nay do Chính phủ đưa ra dành cho đối tượng ngư dân.

Chia sẻ quan điểm về những chính sách mới do Chính phủ ban hành dành cho lĩnh vực thủy hải sản, ông Lê Hữu Lộc - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Trong những năm qua, với nhiều sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước, ngư dân Bình Định đã có những phát triển nhất định về đánh bắt thủy hải sản. Tuy nhiên, các chính sách này vẫn còn nhiều bất cập. Vì vậy, với những thay đổi lần này, tôi cho rằng đây là một chính sách mang tính lịch sử. Nó đầy đủ và hoàn thiện việc hỗ trợ cho các ngư dân an tâm bám biển, đánh bắt xa bờ”.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cho rằng Nghị định về phát triển thủy sản, trong đó ưu tiên tập trung cho đánh bắt xa bờ sẽ là bước ngoặt quan trọng cho ngành thủy sản để bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành, vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo của đất nước.

Chính sách mới hỗ trợ ngư dân của Chính phủ được nhiều người đánh giá là hoàn thiện thiện nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, trong chương trình Đối thoại chính sách, các khách mời chỉ đề cập tới hai vấn đề đang được đông đảo ngư dân quan tâm. Một là công tác hỗ trợ vay vốn đóng mới tàu vỏ sắt thay cho tàu vỏ gỗ. Hai là chương trình chuyển đổi phương thức đánh bắt cá ngừ đại dương truyền thống sang mô hình của Nhật Bản mà Bình Định là địa phương tiên phong đang áp dụng.

Đổi mới phương thức đánh cá ngừ - Đổi mới đời sống của ngư dân

Một thực tế hiện nay cho thấy, dù Bình Định là một trong hai nơi có sản lượng đánh bắt ca ngừ đại dương lớn nhất nhất cả nước, nhưng chất lượng lại không cao. Do đó, giá thành sản phẩm cho cá ngừ đại dương do Bình Định sản xuất thường rất thấp. Minh chứng cho điều này là giá cá ngừ đóng hộp của Bình Định chỉ khoảng 3USD/1 kg, thấp gấp 5 lần so với giá thành cá ngừ chế biến thành sashimi.

‘ Ông Lê Hữu Lộc - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định

Để giải quyết hiện trạng này, thời gian vừa qua, biện pháp được ngư dân Bình Định áp dụng đó là thay thế những phương pháp đánh bắt truyền thống bằng mô hình đánh bắt của Nhật Bản. Cụ thể, với bộ đánh bắt cá ngừ theo công nghệ của ngư dân Nhật Bản, khi cá mắc câu, thiết bị này sẽ kéo cá lên từ từ thay vì kéo tay mà ngư dân quen gọi là lừa cá. Nó giúp con cá bình tĩnh trên biển nên không làm phát sinh axit lactic, nguyên nhân chính khiến thịt cá bị chua. Ngoài ra, thiết bị này còn làm cho cá chết nhanh thay vì dùng chày gỗ đập vào đầu cá như lâu nay ngư dân quen làm.

Đánh giá về loại hình đánh bắt mới này, Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam khẳng định - đây là một chiến lược sáng suốt của lãnh đạo tỉnh Bình Định khi đưa bộ kĩ thuật đánh bắt cá ngừ của Nhật vào thực tế mà không đợi chờ hỗ trợ từ phía Nhà nước – “Chính sách này đã cho thấy những bước đầu gắn kết giữa nhà sản xuất và nhà tiêu thụ trong và ngoài nước. Tôi nghĩ cần mở rộng mô hình này sang cả nước”, ông Việt Thắng nói.

Tuy nhiên, bên cạnh việc trang bị ngư cụ đánh cá ngừ theo công nghệ mới, các khách mời đều nhất trí cho rằng, một điều quan trọng mà Bình Định cần chú ý đó là khâu tiêu thụ sản phẩm để giúp ngư dân có thể yên tâm đánh bắt cá.

Hỗ trợ hoán đổi tàu vỏ gỗ sang vỏ sắt phải đi đôi với nâng cao tri thức

Muốn đánh bắt dài ngày, bám biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc thì ngư dân cần có thuyền to, lưới lớn. Đến thời điểm hiện tại, Chính phủ đã quyết định sẽ hoán đổi tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ sắt. Trước mắt, con số tàu được cải biến sẽ là 3000 tàu cá trên tổng số 130000 tàu cá trong cả nước. Tổng số vốn đầu tư cho dự án này dự kiến sẽ là 10 nghìn tỷ đồng.

‘ Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tàu cá ngừ tại Bình Định

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra một chính sách ưu đãi lãi suất 5% dành cho ngư dân chuyển sang tàu vỏ sắt, trong đó Chính phủ hỗ trợ 2% lãi suất và người dân phải trả lãi suất 3%.

Chia sẻ trong cuộc trò chuyện, ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tàu cá ngừ tại Bình Định cho biết giá thành để đóng một chiếc tàu vỏ sắt thường rất cao, nên việc ngư dân bỏ 2 – 3 tỉ để đóng một chiếc tàu vỏ sắt là không có khả năng. Do đó, những chính sách hỗ trợ người dân đóng tàu vo sắt của Chính phủ là một hướng đi đúng ở thời điểm hiện nay.

“Với lãi suất 3% là một lãi suất có thể chấp nhận được, tuy nhiên, bản thân tôi và một số ngư dân khác vẫn băn khoăn ở niên hạn trả nợ vay - khoảng 10 năm, như vậy trung bình một năm ngư dân phải bỏ ra gần 1 tỉ cho các chi phí duy trì, bảo dưỡng tàu và trả nợ cho Chính Phủ. Con số này không khả thi lắm. Vì vậy, theo tôi Nhà nước nên giãn niên hạn trả nợ cho ngư dân”, ông Nguyễn Văn Việt nói.

Bên cạnh việc thay đổi sang tàu vỏ sắt, để tập trung vào mũi nhọn đánh bắt xa bờ, các khách mời đều cho rằng Bình Định nên thực hiện đồng thời cung cấp đầy đủ các thông tin về ngư trường đánh cá cho ngư dân, kết hợp đào tạo, nâng cao tri thức của người dân, giúp họ có thể sử dụng phương tiện đánh cá hiện đại.

Với một đường bờ biển dài trên 3000 km, việc vươn khơi bám biển không còn chỉ là công cuộc mưu sinh của hàng triệu ngư dân mà nó còn là sự khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên vùng biển rộng lớn, giàu tài nguyên. Chúng ta đã có Nghị quyết tam nông dành cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Với những chính sách mới cho ngành thủy sản, nhiều người đang trông đợi một nghị định cho tam ngư là ngư dân, ngư trường và ngư biển.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình Đối thoại chính sách tuần này với chủ đề Chính sách hỗ trợ ngư dân qua video dưới đây:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước