Chi trả hàng nghìn tỷ đồng bảo hiểm do bão số 3
Theo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tính đến 17h chiều qua, số liệu báo cáo từ doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, các đơn vị đã tiếp nhận thông tin khoảng hơn 9.000 số vụ thiệt hại về tài sản và xe cơ giới, ghi nhận 14 trường hợp tử vong, 18 vụ thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe. Tổng số tiền chi trả thiệt hại về con người và tài sản ước tính khoảng 7.000 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp chia sẻ, số hồ sơ đề nghị bảo hiểm mỗi ngày tăng lên hàng trăm. Dù vậy đây vẫn chỉ là những số liệu sơ bộ ban đầu, do số liệu về số vụ tổn thất và giá trị chi trả bồi thường bảo hiểm vẫn chưa thống kê được toàn diện, đầy đủ.
Tại Công điện về việc tập trung khắc phục hậu quả bão lũ số 3 và mưa lũ sau bão, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm khẩn trương thực hiện bồi thường tổn thất cho bên mua bảo hiểm, bảo đảm nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời theo đúng thỏa thuận hợp đồng và các quy định của pháp luật.
Hiện các công ty bảo hiểm đang huy động tối đa nhân lực để nhanh chóng chóng xác định thiệt hại, bồi thường và trả tiền bảo hiểm cho bên thụ hưởng. Trước mắt là ưu tiên cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh để ổn định sản xuất và việc làm cho người lao động.
Các doanh nghiệp chia sẻ, số hồ sơ đề nghị bảo hiểm mỗi ngày tăng lên hàng trăm
Bảo hiểm khẩn trương giám định và chi trả bồi thường
Hàng trăm bể ủ cá nguyên liệu ở xưởng sản xuất có nguy cơ sẽ phải đổ bỏ, do cơn bão số 3 đã hất tung toàn bộ mái tôn là những mái che của các bể nguyên liệu khiến cho toàn bộ cá cũng như nguyên liệu trong bể bị ngấm nước. Hiện giờ, công tác khắc phục vẫn đang được nỗ lực thực hiện nhưng có thể phải mất từ 3-6 tháng mới biết chính xác có thể cứu vãn được bao nhiêu % trong số này.
Ông Phạm Văn Nhãn - Thành viên HĐQT Công ty Chế biến dịch vụ thuỷ sản Cát Hải, Hải Phòng cho biết: "3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, một năm mới đánh giá được kết quả của nước mắm đạt được ở tiêu chuẩn bao nhiêu độ đạm và hương vị, màu sắc như thế nào. Một năm thì mới đánh giá kết quả được sự thua thiệt".
Xưởng nước mắm này có tuổi đời gần bằng cả cuộc đời ông Nhãn. Hơn 60 năm, lần đầu tiên chịu tổn thất lớn đến như vậy. 42.000 m2 nhà xưởng không nơi nào còn nguyên vẹn. Hơn 1.000 tấn cá vừa ủ muối, giờ cũng chỉ trông chờ vào trời thương. Sốt ruột, đau xót, nỗi lòng ông Nhãn mặn chát hơn muối.
Theo giám định bảo hiểm, trước mắt, xưởng ông Nhãn có thể nhận bồi thường khoảng 7 tỷ đồng, có thể tạm ứng tiền mặt trước tới 90% và hoàn chứng từ sau để giảm bớt gánh nặng giấy tờ trong lúc bộn bề sau bão.
Ông Đỗ Minh Hoàng - Thành viên Hội đồng quản trị Bảo hiểm Agribank nêu ý kiến: "Hồ sơ tín dụng cũng đã phản ánh được tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp hoặc tài sản hình thành từ vốn vay theo quá trình sử dụng vốn vay từ Ngân hàng Nông nghiệp. Những lợi thế đó chúng tôi chuyển hóa rút ngắn quy trình giám định ban đầu. Những lúc này, câu chuyện giữa sống và chết chứ không phải vượt khó vượt nghèo, dẫn đến họ cần tiền ngay trong khi chưa hoàn thiện hồ sơ bắt buộc chúng tôi phản ứng nhanh".
Các công ty bảo hiểm cho biết hiện đã thành lập Ban chỉ đạo khẩn cấp, huy động tối đa quân số giám định viên, thậm chí điều động từ miền Nam ra Bắc để nhanh chóng tiếp nhận và xác định thiệt hại. Người mua bảo hiểm khi gặp thiên tai, đầu tiên cần gọi điện cho người phụ trách đã bán bảo hiểm cho mình; đồng thời liên hệ ngay tổng đài của công ty bảo hiểm để kịp thời được hướng dẫn.
Ông Vương Việt Đức - Giám đốc Ban Giám định bồi thường Tài sản Kỹ thuật, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt nhận định: "Về phương châm của Bảo Việt là tiếp cận một cách nhanh nhất có thể. Yêu cầu các bộ phận về kinh doanh về khai thác và trích xuất dữ liệu khai thác để chúng tôi có thể nhóm khu vực khách hàng đang bị lũ. Sẽ phân loại đối tượng tài sản bị tổn thất gồm những công trình, nhà cửa gì. Ngay khi có thể, chúng tôi có thể tiếp cận hiện trường".
Ông Phạm Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết: "Một số địa điểm ngập úng, ngập lụt, các doanh nghiệp bảo hiểm chưa tiếp cận được hiện trường, chưa xác định được mức độ thiệt hại. Các doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục tiếp cận để xác định thiệt hại và tạm ứng bồi thường, giải quyết bồi thường cho người tham gia bảo hiểm được đầy đủ, đúng kịp thời theo cam kết của doanh nghiệp bảo hiểm với người tham gia bảo hiểm".
Trong trường hợp cấp bách, người dân và doanh nghiệp được khuyến cáo nên ghi lại bằng chứng dưới sự chứng kiến của cán bộ phường, xã, tổ chức đoàn thể, người làm chứng khác, càng chi tiết sẽ càng giúp quá trình xác định tổn thất thuận tiện hơn, qua đó hỗ trợ quá trình bồi thường được nhanh gọn.
Thời điểm này, thiệt hại mà bão và hoàn lưu bão gây ra chưa thể thống kê hết
Khẩn trương khoanh, hoãn, giãn nợ cho khách hàng
Ngoài việc hỗ trợ chi trả bồi thường bảo hiểm, một nhu cầu cấp bách của doanh nghiệp là được giãn hoãn nợ để giảm bớt gánh nặng trong thời điểm hiện nay. Riêng đối với ngành nuôi trồng thủy hải sản, ước tính thiệt hại cũng lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, có gần 12.000 khách hàng vay vốn ngân hàng tại Quảng Ninh và Hải Phòng - hai địa phương bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3, đang cần được hỗ trợ gấp.
Những ụ gỗ, tre, lồng thả trôi nổi là tài sản còn sót lại của bà con ngư dân sau khi cơn bão đi qua. Không ai nghĩ, chỉ cách đây một tuần, khu vực này đầy ắp những bè cá lớn nhỏ.
Hàng trăm bè mảng nuôi trồng thủy sản của bà con ở Tân An – Quảng Yên – Quảng Ninh đã bị tiêu tan sau cơn bão số 3. Cùng với đó là hàng chục thậm chí là hàng trăm tỷ đồng vốn tự có cũng như vốn vay từ ngân hàng của bà con ngư dân cũng bị cuốn trôi theo cơn bão.
Bà Thúy có 60 bè nuôi cá trên biển, với khoảng hơn 90 tấn cá sắp đến kỳ thu hoạch. Nhưng cơn bão số 3 vừa qua đã cuốn trôi sạch sẽ. Thứ còn lại chỉ là những mảnh vỡ vụn trôi nổi trên biển.12 tỷ đồng mất sạch chỉ sau một cơn bão.
Bà Ngô Thị Thúy - Khu Thống Nhất 2, phương Tân An, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: "Tôi có 60 ô, mỗi ô là 500 con, mỗi con tầm 3 kg. Vừa rồi kéo cả lồng bè của tôi không còn một cái gì, sạch banh".
Ông Vũ Mạnh Cường - Khu 3, phường Tân An, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Rơi vào mất tầm khoảng 14 - 15 tỷ. Không biết cái nào của nhà mình. Từ ngày hôm qua đến bây giờ cứ đi tìm. Bây giờ làm gì ra tiền để trả nợ bây giờ?".
Theo thống kê ban đầu, toàn tỉnh Quảng Ninh và Thành phố Hải Phòng, hai địa phương nằm trong tâm bão số 3, đã có gần 12.000 khách hàng bị ảnh hưởng với tổng dư nợ ước tính gần 26.000 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực nông- lâm- thuỷ sản ước tính bị thiệt hại tới hơn 3.500 tỷ đồng
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận định: "Trước hết là giãn hoãn, thứ hai là giảm lãi và đặc biệt là phải mạnh dạn cho vay mới để các doanh nghiệp, người dân, hộ gia đình có vốn để quay vòng. Các khoản nợ cũ sẽ được xem xét, xử lý một cách phù hợp với điều kiện thực tế, cũng như theo tinh thần chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ".
Khoanh nợ, giãn nợ, hoãn nợ và tiếp tục cho vay mới để giúp cho người dân, doanh nghiệp sớm khắc phục những thiệt hại sau bão, để họ gây dựng lại cuộc sống và có cơ hội trả nợ.
Thời điểm này, thiệt hại mà bão và hoàn lưu bão gây ra chưa thể thống kê hết. Mất mát về con người là mất mát to lớn nhất không gì có thể bù đắp. Nhưng cuộc sống sau bão vẫn phải tái thiết. Nhà cửa, hoa màu, sinh kế của nhiều người dân sẽ phải bắt đầu từ con số 0. Vì thế mọi nguồn lực và chính sách hỗ trợ là rất cấp bách và cần được triển khai nhanh chóng, hiệu quả với tinh thần cao nhất có thể như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Đó là mỗi người làm việc bằng hai, chung tay ứng phó, khắc phục hậu quả của bão với trách nhiệm cao nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!