Theo tờ Đầu tư Chứng khoán, trong vòng chưa đầy 2 tuần trở lại đây, giá xi măng tăng thêm 80.000 - 100.000 đồng/tấn, thép cũng "nhích" thêm từ 200.000 - 860.000 đồng/tấn so với đầu tháng 10, một số loại vật liệu cơ bản khác như cát xây dựng cũng có xu hướng tăng thêm vài % do tác động từ hoạt động khai thác.
Một số chuyên gia nhận định, phần lớn các doanh nghiệp xây lắp ký hợp đồng cố định, không điều chỉnh được giá thầu nên hoạt động xây dựng dự kiến tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong quý IV này.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, chỉ số giá xây dựng trong 9 tháng đầu năm nay đã tăng hơn 3,6% so với cùng kỳ, trong đó tác động chính là do sự tăng giá của các vật liệu xây dựng, các mức tăng được cho là nằm ngoài quy luật thông thường.
Giá vật liệu xây dựng liên tục tăng cao gây khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Bảo vệ thương hiệu Việt: Không thể chậm trễ
Việc Tổ chức The Rice Trader cảnh báo gạo thơm Việt Nam có thể mất quyền tham gia cuộc thi "Gạo ngon nhất thế giới" trong năm 2021 và những năm tiếp theo gây ra không ít lo ngại tới hình ảnh và uy tín của thương hiệu gạo Việt Nam.
Theo chia sẻ của GS Võ Tòng Xuân với Báo Công Thương, cần có biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các quy định biểu trưng của giải thưởng "Gạo ngon nhất thế giới"
Chuyên gia này dẫn chứng bài học từ một quốc gia cùng khu vực là Thái Lan, đã quản lý thương hiệu rất bài bản, bằng cách truy xuất từ đồng ruộng cho tới khi đưa gạo về kho và các thương nhân muốn xuất khẩu đều phải có giấy phép xác nhận là sử dụng đúng giống.
Trong khi gạo ST25 của Việt Nam sau khi được vinh danh, mới chỉ tặng bằng khen cho người phát minh ra giống lúa chứ chưa có động thái nào công nhận cũng như quản lý thương hiệu.
Giá tăng mạnh, xuất khẩu sợi thắng lớn
Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng dường như không xảy đến với ngành sợi trong đợt dịch vừa qua. Sản xuất được duy trì, sản lượng đạt cao, được "trợ lực" bởi đà hồi phục của giá sợi thế giới, nên xuất khẩu sợi từ đầu năm đến nay thắng lớn, bài viết trên Báo Đầu tư.
Theo thống kê mới nhất của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 10 tháng qua, ngành sợi đã xuất khẩu gần 1,6 triệu tấn sợi, đạt kim ngạch gần 4,5 tỷ USD, tăng tới hơn 52% về trị giá so với cùng kỳ.
Tác giả phân tích, do trên thị trường thế giới, tồn kho sợi ở Trung Quốc và các nước sản xuất dệt may đã cạn kiệt khiến nhu cầu sợi tăng cao.
Đáng chú ý theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, tăng trưởng trong quý III vừa qua của doanh nghiệp chủ yếu đến từ lĩnh vực sợi, khi mặt hàng này đã đóng góp tới 60% vào kết quả kinh doanh chung.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!