Thời điểm này, dù miền Trung không có lũ nhưng những hậu quả của cơn lũ trước vẫn hiện diện trên cánh đồng. Ở nhiều nơi, người dân đang phải xoay sở mọi cách để khôi phục sản xuất với vô vàn khó khăn.
1ha ruộng của chị Thúy (xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), 5 sào phải bỏ hoang, 5 sào còn lại đã hỏng một nửa dù đây đã là lần thứ 3 chị gieo sạ lại. Suốt 1 tuần qua, cả gia đình phải đi khắp nơi để mua mạ về dặm lại ở chỗ bị hư. Tiền mạ cho 1 sào là 800.000 đồng, tiền công cấy cũng đã tăng từ 120.000-150.000 đồng/ngày.
Tại hai tỉnh Phú Yên và Bình Định, ngoài gần 1.000 ha lúa bị bỏ hoang, có khoảng 3.000 ha hư hỏng sau đợt mưa lũ trái mùa cuối tháng 1 và đầu tháng 2. Theo tính toán của ngành nông nghiệp, 1 lần gieo sạ, nông dân phải mất 120kg lúa giống/ha, chưa kể tiền cày, tiền phân thuốc.
Từ đầu vụ Đông Xuân đến nay, ở nhiều vùng trũng thấp, nông dân đã 3 lần gieo sạ lại. Như vậy, nông dân 3 lần mất giống. Tuy nhiên, nhiều diện tích gieo ở lần sau cùng cũng đã bị hư nặng. Để phục hồi lại, nông dân phải tăng cường phun thuốc, thuê công cấy và chi phí cứ thế tăng lên.
Như vậy, chi phí cho 1 ha lúa ở những vùng bị thiệt hại do mưa lũ trong vụ Đông Xuân ở các tỉnh Nam Trung Bộ khoảng 4.680.000 tiền giống, chưa kể tiền công cày, tiền thuốc và phân bón. Nhưng điều lo ngại lúc này là với những diện tích lúa hư phải dặm lại hoặc xuống giống muộn dự báo đối mặt với nhiều rủi ro về sâu bệnh và năng suất.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!