Chi phí logistics tại Việt Nam quá cao

Nguyệt Hà-Chủ nhật, ngày 17/11/2013 14:51 GMT+7

 Theo các chuyên gia, chi phí doanh nghiệp phải trả cho dịch vụ Logistics ở Việt Nam hiện quá cao so với trung bình của thế giới, chiếm 25% GDP, khoảng 12 tỷ USD, cao hơn nhiều so với 19% GDP ở Trung Quốc, hay 8-9% GDP ở Nhật Bản.

Công ty Hoa Sen mỗi tháng sản xuất khoảng 100.000 tấn sản phẩm, 60% trong số đó được vận chuyển nội địa đến 120 chi nhánh trên toàn quốc. Còn đối với hàng xuất khẩu, do công suất cảng Cái Mép hiện rất thấp, công ty phải vận chuyển hàng theo đường bộ từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cảng Sài Gòn, TP.HCM. Đại diện công ty này cho biết, chi phí vận chuyển nội địa hiện nay đang cao bất hợp lý.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen nói: “Chúng tôi vận chuyển từ TP.HCM đi Nha Trang hoặc Đà Nẵng thì chi phí vận chuyển cao hơn rất nhiều so với chúng tôi xuất đi Bangkok. Đó là một nghịch lý khi chi phí vận chuyển đường biển lại rất thấp, còn đường bộ rất cao. Tôi nghĩ giải pháp ở khâu vận tải đường sắt còn yếu kém. Đường sắt sẽ tạo ra giá thành vận tải thấp hơn vận tải ô tô, nhưng hiện nay nó chưa làm được vai trò đó”.

Ngành logistics Việt Nam đang có hơn 1.000 doanh nghiệp trong nước và 25 công ty nước ngoài tham gia, tuy nhiên có tới 70-80% thị phần thuộc về các công ty nước ngoài. Các doanh nghiệp logistics trong nước hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, vốn điều lệ bình quân chỉ khoảng 4-6 tỷ đồng và chủ yếu làm đại lý hoặc đảm nhiệm từng công đoạn cho các công ty nước ngoài. Sự phụ thuộc dịch vụ các doanh nghiệp logistics nước ngoài khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam bị động trong đàm phán giá dịch vụ.

Các cơ quan chức năng cũng thừa nhận, chi phí logistics tăng cao còn do những bất cập trong hạ tầng mềm.

Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: “Các dịch vụ quản lý Nhà nước đang thực hiện như hải quan, kiểm định, các dịch vụ về thuế… cùng với hạ tầng giao thông không tốt đã làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình làm thủ tục thông quan hoạt động xuất, nhập khẩu”.

Chi phí vận chuyển chiếm khoảng 60% tổng chi phí logistics. Hạ tầng giao thông, cảng biển kém phát triển là nguyên nhân chính khiến cho chi phí vận tải đội cao hơn và tăng khoảng 10% cho mỗi đơn hàng. Xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mức trung bình tới 17% trong hơn 20 năm qua. Và cho dù kinh tế còn khó khăn thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 2013 Việt Nam tăng 15,5%. Tuy nhiên, thành công này lại đang bị cản trở bởi nhiều yếu tố trong đó có cả chi phí từ dịch vụ logistics cao.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước