Chậm giải ngân vốn đầu tư công - “Căn bệnh trầm kha” của nền kinh tế

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 26/07/2020 10:00 GMT+7

VTV.vn - Dư luận đang rất quan tâm đến câu chuyện chậm trễ trong việc giải ngân vốn đầu tư công. Hệ lụy chậm giải ngân vốn đầu tư công để lại rất nhiều hậu quả.

Nếu nguồn vốn đầu tư công chiếm khoảng 10,7% tổng giá trị GDP, hệ lụy chậm giải ngân vốn đầu tư công không khác gì "nút thắt cổ chai đối với nền kinh tế", để lại nhiều hậu quả. Ở thời điểm này, đây là điều khó chấp nhận được khi nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất, kích thích tăng trưởng kinh tế như mệnh lệnh sống còn.

Nhiều số báo ra trong tuần tiếp tục đề cập, phân tích nguyên nhân và đề xuất những giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Giải ngân chậm vì né trách nhiệm?

Tờ Tiền phong đặt câu hỏi: Phải chăng giải ngân chậm vì né trách nhiệm? Nếu người đứng đầu sợ trách nhiệm, việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ chỉ nằm trên giấy. Theo ông Nguyễn Anh Dương, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, hiện nay ai cũng nói là bối cảnh mới, nhưng vẫn cách làm cũ, tư duy cũ thì rất khó phát triển đất nước.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công - “Căn bệnh trầm kha” của nền kinh tế - Ảnh 1.

6 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 33,9%. (Ảnh minh họa: Dân trí)

Ngay từ đầu năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ xác định là nhiệm vụ trọng tâm để tạo "đòn bẩy" cho tăng trưởng kinh tế và quyết liệt đạt mục tiêu giải ngân 100% vốn. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của Chính phủ, 6 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 33,9%. Tờ Đầu tư ví đây như một "hòn đá tảng", "một căn bệnh trầm kha" của nền kinh tế.

Chặn đứng bệnh quan liêu trong giải ngân vốn đầu tư công

Câu hỏi đặt ra là do đâu? Câu hỏi này không mới và câu trả lời cũng đã nhiều lần được nhấn mạnh. Liên tục trong những năm gần đây, sốt ruột trước tình trạng "có tiền mà không tiêu được", nhiều hội nghị thúc đẩy đầu tư công đã được tổ chức. Tại đó, các nguyên nhân như chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, năng lực ban quản lý dự án có hạn, phân giao vốn còn chậm… được chỉ ra. Những nguyên nhân kiểu "biết rồi, khổ lắm, nói mãi".

Tuy nhiên lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không còn muốn các địa phương viện vào các nguyên nhân đã cũ này. Không muốn "nói mãi mà chẳng ăn thua", cũng không muốn "nói khéo" như ở các hội nghị trước, rằng liệu có phải do nguyên nhân chủ quan nào không, bởi rõ ràng, cùng một thể chế, chính sách ấy, có địa phương giải ngân trên 50%, thậm chí 70% - 80%, nhưng có địa phương lại giải ngân dưới 5%, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã "điểm mặt, chỉ tên" rõ ràng. Đó là do bệnh quan liêu, không chịu đi sát, không giải quyết công việc đặt ra và bệnh chỉ nói chung chung của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công - “Căn bệnh trầm kha” của nền kinh tế - Ảnh 2.

Việc giải ngân vốn đầu tư công bị chậm gây ảnh hưởng tới tăng trưởng, việc làm và lãng phí vốn đầu tư... (Ảnh: Dân trí)

Trên tờ Đại đoàn kết, ông Bùi Đức Thụ, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, cần coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành, các địa phương. Là một trong những tiêu chuẩn đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Là cơ sở, căn cứ để xem xét, đề bạt, cất nhắc, cho phép tái cử với những cán bộ đó.

Giám sát chặt để thúc đẩy nhanh đầu tư công

Đầu tư công luôn đi kèm với khoản tiền lớn, vì vậy không chỉ đòi hỏi ở những nhà quản lý có năng lực chuyên môn mà còn cần phải có đạo đức cán bộ. Trong sự khó khăn chung của đất nước, những kẻ gian manh lại thừa cơ vơ vét, mọi sự càng thêm gian nan, tờ Nông nghiệp Việt Nam bình luận.

Sốt ruột trước tiến độ giải ngân đầu tư công với tốc độ "rùa bò", mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định thành lập 7 đoàn kiểm tra do đích thân Thủ tướng, các phó Thủ tướng, 2 bộ trưởng là trưởng đoàn.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công - “Căn bệnh trầm kha” của nền kinh tế - Ảnh 3.

Hệ lụy chậm giải ngân vốn đầu tư công để lại rất nhiều hậu quả. (Ảnh minh họa: Dân trí)

Tờ Người lao động trích ý kiến của đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa đánh giá đây là động thái quyết liệt của Chính phủ trong việc ghi nhận những vướng mắc thực chất xung quanh việc vốn đầu tư công khó giải ngân.

Sau khi có quyết định thành lập đoàn kiểm tra, ngay trong tuần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đến làm việc với lãnh đạo TP.HCM, tỉnh Đồng Nai; làm việc trực tuyến với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đắk Nông, tỉnh Bình Thuận về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Một thông điệp được Thủ tướng nhấn mạnh trong các cuộc làm việc đó là "Ai không làm thì đứng ra một bên để người khác làm".

Tình hình đất nước hiện nay sẽ không còn chỗ cho những ai quan liêu, cho những công chức "sáng cắp ô đi, chiều cắp về". Nếu không sát sạt, đi sâu vào thực tế, từng dự án, từng công trình, để gỡ khó từng khâu, từng thủ tục, thì tình trạng trì trệ vẫn sẽ còn. Hy vọng với lần "ra tay" thật quyết liệt này, Chính phủ sẽ không cho phép tồn tại các nguyên nhân chậm giải ngân kéo dài như thời gian qua. Đó cũng là trách nhiệm với đất nước, xã hội và cả người dân.

“TP.HCM không được trì trệ, chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công” “TP.HCM không được trì trệ, chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công”

VTV.vn - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra yêu cầu trên tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của TP.HCM về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước