Ảnh minh họa.
Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, xã hội đảm bảo an ninh, quốc phòng của vùng Tây Nam Bộ đề ra mục tiêu đến 2030 hoàn thiện toàn bộ hệ thống đường cao tốc của khu vực vùng với 3 tuyến trục ngang và 3 tuyến trục dọc.
Khối lượng thi công rất lớn nhưng trữ lượng cát trong vùng mới chỉ đáp ứng được khoảng 77%. Điều này đang khiến nhiều gói thầu của đoạn Cần Thơ - Cà Mau thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam chậm tiến độ, thậm chí phải tạm dừng thi công.
Những công trường bất động, điều này hoàn toàn trái ngược với kế hoạch thi công của đoạn dự án Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Nhiều gói thầu đã chậm tiến độ nhiều tháng.
Ông Hoàng Công Cường - Chỉ huy trưởng, Công TNHH Trung Nam E&C cho biết: "So với tiến độ đã chậm 3 tháng do không có cát đắp nền đường".
Theo thiết kế, dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau cần khoảng 18,1 triệu m3 cát. Trong đó, năm 2023 cần 9,1 triệu m3 và năm 2024 cần 9 triệu m3. Tuy nhiên, đến nay các nhà thầu mới chỉ tiếp cận được gần 500.000 m3 cát từ nguồn tăng công suất của các địa phương.
Sau nhiều tháng để điều chỉnh, khảo sát, quy hoạch, lựa chọn, những mỏ cát đầu tiên đã được cấp phép cho các đơn vị thi công cao tốc Bắc - Nam. Việc cho phép khai thác sớm hay muộn sẽ là điểm mấu chốt, quyết định tiến độ cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam khu vực Tây Nam Bộ.
Chính sách đã có, cơ chế đã thông và vấn đề quan trọng nhất hiện tại là cách thức thực hiện. Thiếu cát, không chỉ gây thiệt hại cho các đơn vị thi công mà còn gây chậm tiến độ các dự án trọng điểm, kìm hãm sự phát triển cho khu vực Tây Nam Bộ.
Theo kế hoạch, đến năm 2026 khu vực Tây Nam Bộ sẽ có khoảng 554 km đường cao tốc. Theo đó cần khoảng 54 triệu m3 cát đắp và san lấp cho các dự án. Đây là khối lượng rất lớn và nếu không có tính toán cụ thể, việc cung cấp đủ cát cho các dự án không hề dễ dàng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!