Cân đối nguồn cung thực phẩm cho Tết Nguyên đán

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 18/09/2024 11:02 GMT+7

VTV.vn - Từ nay đến Tết vẫn còn thời gian 4 tháng là điều kiện cần để nông dân có thể sản xuất đáp ứng nguồn cung cho cuối năm.

Suy giảm nguồn cung thực phẩm sau mưa lũ

Đến thời điểm này, các tỉnh phía Bắc đang bắt tay khôi phục sản xuất nông nghiệp sau những thiệt hại quá lớn từ cơn bão số 3. Gần 250.000 ha lúa và hoa màu bị ngập úng, thiệt hại gần 31.800 ha cây ăn quả bị hư hại. Gần 3.300 lồng bè nuôi thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi, gần 2,7 triệu con gia súc, gia cầm bị chết. Những con số này đã khiến tăng trưởng của nông nghiệp giảm 0,33 % và điều quan trọng hơn là suy giảm nguồn cung thực phẩm cho hiện tại và những tháng cuối năm.

Một trong những khu vực sinh sống và chăn nuôi của các hộ dân xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, ngay khi bão tan, nước rút, các hộ gia đình nhanh chóng vệ sinh, rắc vôi bột khử trùng chuồng trại. Một số hộ nước rút nhanh thì đã hoàn tất khâu khử khuẩn và đưa lợn về. Quyết tâm khôi phục lại chăn nuôi tuy nhiên chăm sóc và giữ được tổng đàn hậu bão lại là vấn đề khó.

Ông Hứa Văn Hồng - Thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội cho biết: "Chuồng nhà tôi là lợn 15-20 kg; mức 30-40 kg và 70-80 kg. Có nhà dịch bệnh xảy ra và ra môi trường thì bão hoà hết. Lợn đã đi gửi thì chắc chắn có sự hao hụt".

Ông Phạm Trọng Hòa - Xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội chia sẻ: "Những con lợn sẽ bị ốm đau rồi phát bệnh là chuyện đương nhiên cho nên sẽ vất vả một thời gian. Cố gắng sẽ đạt 70%".

Hiện các địa phương cũng đang khẩn trương tái đàn phục vụ nhu cầu thực phẩm cuối năm.Tuy nhiên, không chỉ các hộ chăn nuôi gia súc mà các hộ chăn nuôi gia cầm cũng phải đối mặt với khó khăn về con giống.

Bà Nguyễn Thị Thu Thoan - Chủ trang trại gà vi sinh Thu Thoan, Hà Nội nêu ý kiến: "Khó khăn nhất là vấn đề con giống. Giống gà, giống lợn tăng rất cao. Bão đã nhấn chìm rất nhiều trại giống, con giống đã khan hiếm mà lại đúng dịp Tết nên thành ra càng khan hiếm hơn. Con giống khan hiếm, tiền thức ăn để duy trì đến Tết nên nguồn vốn cần rất nhiều. Và để tiếp cận nguồn vốn, chúng tôi rất khó khăn để tiếp cận nguồn vốn, nhất là ngân hàng".

Để giải quyết nguồn cung thực phẩm từ nay đến cuối năm, đặc biệt vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cùng vào cuộc để hỗ trợ người dân con giống, thức ăn, vật tư, sớm phục hồi sản xuất và đáp ứng tối đa được nhu cầu thực phẩm.

Cân đối nguồn cung thực phẩm cho Tết Nguyên đán - Ảnh 1.

Trong ngắn hạn là thời điểm trước trong và sau bão, nhu cầu tiêu dùng đã được đảm bảo nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ

Cần có giải pháp cân đối nguồn cung thực phẩm

Chăn nuôi và thuỷ sản là hai lĩnh vực thiệt hại lớn do giá trị kinh tế cao, chỉ riêng huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, tổng sản lượng thuỷ sản đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại đã lên tới hơn 32.000 tấn, tương đương gần 2.300 tỷ đồng. Ngay lúc này, việc nhanh chóng có giải pháp phục hồi sản xuất và cân đối nguồn cung cho tiêu dùng là vấn đề đặt ra cho các bên.

Trên cơ sở con số thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, theo công điện hỏa tốc số 7086 của Bộ Công thương, việc phối hợp giữa các bên để tăng cường công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 đã được ưu tiên thời gian qua. Giá cả các mặt hàng thiết yếu cơ bản ổn định, trừ một số loại rau xanh có tăng nhẹ do khó bảo quản. Trong ngắn hạn là thời điểm trước trong và sau bão, nhu cầu tiêu dùng đã được đảm bảo nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhận định: "Từ nay cho đến cuối năm, ngành công thương phối hợp với ngành nông nghiệp sẽ tiến hành đánh giá, rà soát đối với những mặt hàng để đảm bảo cân đối được hài hoà giữa an ninh lương thực như công tác điều hành xuất khẩu gạo cũng như hỗ trợ thúc đẩy phân phối các mặt hàng nông sản vào các hệ thống phân phối ở trong nước".

Cùng với doanh nghiệp tăng cường sản xuất và phân phối lương thực, thực phẩm, tăng nguồn hàng ra thị trường, từ nay đến Tết vẫn còn thời gian 4 tháng là điều kiện cần để nông dân có thể sản xuất đáp ứng nguồn cung cho cuối năm. Trên cơ sở đặc thù từng lĩnh vực, ngành nông nghiệp sẽ có giải pháp hỗ trợ giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi và điều chỉnh cơ cấu mùa vụ để nông dân thích ứng nhanh với tình hình mới.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra nhận định: "Bộ sẽ chỉ đạo vụ đông xuân luôn để chúng ta thấy rằng những sản phẩm như rau màu chỉ 25-30 ngày có thể thu hoạch, đối với gà công nghiệp nuôi hơn một tháng, gà lông màu trên 3 tháng, đối với vịt ngan siêu thịt chỉ có 45 -50 ngày, lợn 4-5 tháng là được thịt. Từ nay đến trước Tết, trong Tết và sau Tết chúng ta hoàn toàn có thể phục hồi được".

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc chủ động từ sớm, từ xa, cân đối nguồn cung cho Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 so với cùng kỳ năm ngoái, nguồn cung thịt lợn, gia cầm năm nay sẽ vẫn giữ ở mức ổn định, giá các mặt hàng này sẽ không có biến động nhiều mà vẫn duy trì ở mức vừa phải. Trong đó, giá lợn hơi sẽ dao động ở mức 60.000 đồng đến 66.000 đồng/kg , đảm bảo cho người chăn nuôi có lãi. Riêng các hộ nuôi trồng thủy sản tại hầu hết các địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão số 3 là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất, cần nhiều nguồn lực, thời gian để tái đàn, tái vụ, tái sản xuất.

Đảm bảo cả hai mục tiêu an ninh lương thực và xuất khẩu đang đòi hỏi toàn ngành nông nghiệp phải có giải pháp đồng bộ và hiệu quả. Trên tinh thần này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất Chính phủ cùng với cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai theo Nghị định 02 thì cần có một nghị quyết chuyên đề, hỗ trợ phục hồi sản xuất sau bão số 3 để phù hợp với tình hình thực tiễn. Có như vậy chúng ta mới nhanh chóng có sản phẩm bù đắp cho khối lượng bị thiệt hại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước