Cần định danh người bán trên thương mại điện tử để chống hàng giả

VTV Digital-Thứ ba, ngày 18/06/2024 18:20 GMT+7

VTV.vn - Bán hàng theo phương thức truyền thống rất thuận lợi trong kiểm tra và xử phạt, nhưng trên môi trường trực tuyến ngày này, ngày càng khó khăn trong việc quản lý giám sát.

Rất nhiều người hiện nay đang có thói quen mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử khác nhau. Việc mua bán hàng online hiện nay đã quá dễ dàng. Một người ở vùng núi cũng có thể livestream bán hàng trên khắp cả nước. Tuy nhiên có vô số trường hợp quảng cáo là "hàng hiệu giá rẻ" nhưng thực chất là hàng giả. Bán hàng theo phương thức truyền thống rất thuận lợi trong kiểm tra và xử phạt, nhưng trên môi trường trực tuyến ngày này, ngày càng khó khăn trong việc quản lý giám sát. Tại Hội thảo chống hàng giả, hàng xâm phạm sỡ hữu trí tuệ, do Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng giải pháp quan trọng là cần định danh được người bán, người mua thì mới chống được hàng giả, mới thu được thuế.

Hàng giả trên thương mại điện tử hiện nay không thiếu sản phẩm nào. Từ hàng tiêu dùng giá trị nhỏ như dầu gội, kem đánh răng, đến giày dép quần áo cho đến những hàng hóa có tính chất kỹ thuật phức tạp như pháo hoa, máy lọc không khí, phụ tùng ô tô, xe máy… Hàng giả đang gây nguy hại cho người tiêu dùng nhiều mặt về sức khỏe, thậm chí cả tính mạng. Ví dụ như sản phẩm pháo hoa của công ty Z121 cũng bị làm giả và bán trên mạng xã hội. Nếu người tiêu dùng mua phải các sản phẩm này thì sẽ có nguy cơ cao ảnh hưởng tới sức khỏe.

Cần định danh người bán trên thương mại điện tử để chống hàng giả - Ảnh 1.

Hàng giả trên thương mại điện tử hiện nay không thiếu sản phẩm nào

Đại tá Trần Anh Mạnh - Phó giám đốc Nhà máy Z121 cho biết: "Chúng tôi có truy xuất nguồn gốc của sản phẩm để dễ dàng nhận biết. Khi người tiêu dùng đến mua sản phẩm, truy xuất mã QR code biến đổi để truy xuất được lý lịch của sản phẩm một cách minh bạch".

Hiện nay, khi thương mại điện tử phát triển, việc bán hàng giả ngày càng công khai, sôi động, khiến công tác phòng chống gặp nhiều khó khăn. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải định danh người mua, người bán trên các sàn thương mại điện tử theo đề án 06, tránh tình trạng người bán "ẩn danh" thì mới dễ dàng quản lý.

Ông Phan Văn Nhật - Chủ tịch Hiệp hội VACIP chia sẻ: "Một người khi có định danh mở một tài khoản trên sàn thương mại điện tử, nếu như họ có hành vi buôn bán hàng giả trên mạng thì khi đó bị xử phạt, định danh của họ sẽ bị khóa trên sàn. Đồng thời các sàn khác họ cũng khóa định danh đó, họ không thể nào tiếp tục hành vi vi phạm nữa".

"Hiện nay có nền tảng xã hội chưa bắt buộc phải định danh và cho đăng ký bằng tài khoản gmail. Việc định danh trên cơ sở số điện thoại của cá nhân người sử dụng cũng cần thiết, vì hiện nay vẫn còn hiện tượng sử dụng tài khoản ảo, số điện thoại ảo, thậm chí tài khoản ngân hàng cũng ảo" - ông Đỗ Hồng Trung - Phó Chánh văn phòng BCĐ 389 Quốc gia nhận định.

Thương mại điện tử đang dần trở thành kênh mua hàng phổ biến và muốn quản lý được phải có công nghệ, công cụ phù hợp, không thể "tay không bắt giặc". Do đó, việc định danh được người mua, người bán sẽ là công cụ hữu hiệu để phòng chống hàng giả, thực hiện tốt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 do Chính phủ phê duyệt.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước