Từng được hy vọng sẽ là động lực dẫn dắt của nền kinh tế thế giới, nhóm các cường quốc kinh tế đang trỗi dậy lại đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Tại hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), lãnh đạo các quốc gia thuộc BRICS sẽ tập trung vào những chiến lược tăng trưởng toàn cầu và các vấn đề hợp tác nội khối.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 8 diễn ra vào một thời kỳ khó khăn khi hai thành viên của BRICS là Brazil và Nga đang chứng kiến nền kinh tế tăng trưởng chậm và tình hình chính trị của Brazil còn bất ổn. Tốc độ phát triển của Trung Quốc đang chậm lại cũng tạo ra những nguy cơ cho kinh tế thế giới.
Những mục tiêu rất tham vọng được đặt ra trong hội nghị gồm tháo gỡ những rào cản đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu, thúc đẩy vai trò lớn hơn của các nền kinh tế mới nổi tại các định chế tài chính chủ chốt của thế giới như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và nhóm G20. Giới quan sát cho rằng, sự phối hợp lớn hơn nữa giữa các thành viên để bảo vệ những lợi ích của mình là cách tốt nhất để vượt qua thách thức.
Giáo sư Srikanth Kondapalli, Trường ĐH Jawaharlal Nehru, cho biết: "Một trong các trọng tâm là vai trò của các nước BRICS với sự ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu. Thứ hai là hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển bền vững, năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Có thể thấy đó là các vấn đề nổi lên ở hội nghị thượng đỉnh lần này".
Bên cạnh đó, các cuộc hội kiến song phương bên lề hội nghị thượng đỉnh về hàng loạt vấn đề chính trị và an ninh chắc chắn sẽ được quan tâm. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ có các cuộc hội kiến quan trọng với Tổng thống Nga và Chủ tịch Trung Quốc.
Bên lề hội nghị, Nga và Ấn độ đã ký 18 văn kiện hợp tác, trong đó có thỏa thuận Nga bán cho Ấn Độ hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!