Các khu kinh tế miền Trung cần liên kết để bứt phá

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 19/08/2019 20:16 GMT+7

VTV.vn - Thiếu liên kết khiến các tỉnh miền Trung vừa không có được sức mạnh tổng lực để phát triển vừa lãng phí những điều kiện tự nhiên sẵn có.

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh, trải dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Khu vực này chiếm khoảng 1/5 dân số cả nước. Chiều dài bờ biển lên tới 1.900 km, dải đất miền Trung có vị trí đặc biệt quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh.

Khu vực này đang đóng vai trò quan trọng trong thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Kinh tế 14 tỉnh vùng miền Trung đang đồng loạt khởi sắc, tốc độ tăng trưởng bình quân 6 tháng năm nay của vùng đạt cao so với bình quân chung cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 8,05% cao hơn bình quân chung cả nước là 6,76%. Nhiều năm qua, du lịch một trong những lĩnh vực kinh tế biển quan trọng nhất đã được các tỉnh miền trung tập trung phát triển. Tuy vậy, sự bền vững vẫn là điều du lịch biển khu vực này cần hướng tới nhiều hơn.

Chiếm 1/3 chiều dài bờ biển của cả nước, những lợi thế để phát triển kinh tế biển miền Trung là điều có thể nhìn thấy rõ. Ngoài du lịch, nơi đây còn có nhiều tiềm năng để phát triển các ngành như công nghiệp dầu khí, vận tải biển, nuôi trồng khai thác chế biến thủy hải sản... Mỗi tỉnh đều đang cố gắng đẩy mạnh và phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất và một số tỉnh đã tạo được những thành công nhất định. Hiện 14 tỉnh miền Trung chỉ có 11 khu kinh tế. Kinh tế miền Trung vẫn chưa có nhiều sự bứt phá, đặc biệt các chỉ tiêu về thu nhập bình quân đầu người, kim ngạch xuất khẩu vẫn nằm ở mức trung bình thậm chí là thấp.

Miền Trung còn là cửa ngõ ra biển của các tỉnh vùng Tây Nguyên, là bệ đỡ cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối Nam - Bắc. Tuy nhiên, sau nhiều năm, thế mạnh của từng địa phương chưa biến thành sức mạnh toàn vùng khi khu vực này đang không có sự kết nối chặt chẽ, mạnh ai nấy làm và không có sự đồng đều giữa các địa phương.

Thiếu kết nối cả về trục dọc giữa các tỉnh miền Trung với nhau và trục ngang giữa các tỉnh miền Trung với Tây Nguyên khiến sự phát triển của khu vực này rời rạc. Mặc dù thiếu kết nối nhưng chưa có nơi nào trong cả nước mà gần như tỉnh nào cũng có cảng nước sâu, tỉnh nào cũng có sân bay như khu vực miền Trung. Việc mạnh ai nấy làm chính là sự lãng phí lớn nhất ở khu vực này.

Vừa thừa vừa thiếu khiến các tỉnh miền Trung mãi loay hoay phát triển riêng lẻ. Đã đến lúc cần cơ chế liên kết vùng hiệu quả hơn cho khu vực này. Quy hoạch lại để liên kết các địa phương trong vùng cùng phát triển không bị mâu thuẫn, không bị cạnh tranh mà bổ sung, hỗ trợ cho nhau để cùng tận dụng các lợi thế mang lại lợi ích lớn hơn là bài toán của khu vực miền Trung thời gian tới.

Những giải pháp trọng tâm nào để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của vùng miền Trung theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, đóng góp lớn hơn vào quy mô kinh tế của cả nước? Cơ chế chính sách nào về đầu tư và tài chính để miền Trung bứt phá, và phát triển bền vững. Làm thế nào để hoàn thiện thể chế vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, tại nên sự liên kết vùng chặt chẽ trong thời gian tới. Đó sẽ là những trăn trở lớn đối với 14 tỉnh miền Trung.

Ngày 20/8, tại tỉnh Bình Định, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung, với mục tiêu tiếp tục phát triển vùng miền Trung đi đúng hướng, thực sự trở thành một vùng động lực của cả nước.

Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020 vùng miền Trung, Tây Nguyên Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020 vùng miền Trung, Tây Nguyên

VTV.vn - Sáng nay (12/8), Hội nghị "Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020 vùng miền Trung và Tây Nguyên" đã diễn ra tại TT-Huế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước