Bước ngoặt kích thích tăng trưởng của Trung Quốc

VTV Digital-Thứ ba, ngày 10/12/2024 21:14 GMT+7

VTV.vn - Lần đầu tiên kể từ năm 2010, Trung Quốc sẽ áp dụng một chính sách tiền tệ "nới lỏng hợp lý", kết hợp với chính sách tài khóa chủ động hơn.

Các động thái mới từ giới chức Trung Quốc đang là tin tức nóng nhất với các thị trường quốc tế phiên sáng nay. Cụ thể là lần đầu tiên kể từ năm 2010, Trung Quốc sẽ áp dụng một chính sách tiền tệ "nới lỏng hợp lý", kết hợp với chính sách tài khóa chủ động hơn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Thông báo của Chính phủ Trung Quốc được đưa ra vào thời điểm nước này vẫn đang nỗ lực tìm lại đà tăng trưởng và giải quyết tình trạng sức mua yếu, cũng như đối phó với các căng thẳng thương mại đang gia tăng với các đối tác lớn như Mỹ và Liên minh châu Âu EU. Sự chuyển hướng chính sách này đã gây được sự chú ý lớn của cộng đồng quốc tế.

Theo tờ New York Times, thông báo của Chính phủ Trung Quốc là chỉ dấu cho thấy Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBOC sẽ tích cực thực hiện các đợt giảm lãi suất trong năm 2025, đồng thời các ngân hàng thương mại nhiều khả năng sẽ được cho phép giảm bớt tỷ lệ dự trữ bắt buộc, cũng như cung cấp các khoản cho vay lớn hơn và chấp nhận rủi ro cao hơn.

Bước ngoặt kích thích tăng trưởng của Trung Quốc - Ảnh 1.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBOC sẽ tích cực thực hiện các đợt giảm lãi suất trong năm 2025

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng chủ trương một chính sách tài khoá chủ động hơn, đồng nghĩa với việc Chính phủ nước này sẽ tăng cường chi tiêu công, chủ yếu nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất xây dựng các nhà máy công nghệ cao.

Trước đó, trong năm 2024, PBOC đã nhiều lần cắt giảm lãi suất, tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất thế chấp mua nhà nhằm kích thích tăng trưởng. Đầu tháng 11, nước này cũng đã công bố gói tài khóa quy mô 1,4 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, thông báo của Chính phủ Trung Quốc ngày 9/12 là chỉ dấu rõ ràng nhất về sự thay đổi chính sách.

Ông Zeng Gang - Giám đốc Viện Tài chính và Phát triển Thượng Hải, Trung Quốc cho biết: "Năm nay, việc điều chỉnh các chính sách tiền tệ phản chu kỳ đã trở nên rõ nét, mở rộng hơn nữa phạm vi tác động của chính sách. Điều này đã giúp quản lý các hoạt động kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính, trong khi cung cấp sự hỗ trợ mang tính dài hạn cho sự phát triển bền vững của thị trường vốn".

Song song với việc nới lỏng chính sách tiền tệ và tăng cường chi tiêu công, Trung Quốc còn mở rộng phạm vi tiếp cận thị trường vốn cho các công ty nước ngoài.

Ông Dong Ximiao - Nhà nghiên cứu, công ty tài chính MUCF chia sẻ: "Các giới hạn về tỷ lệ sở hữu của các công ty nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư đều được dỡ bỏ hoàn toàn. Các thể chế tài chính nước ngoài đang nhanh chóng mở rộng sự hiện diện tại thị trường Trung Quốc".

Sự chuyển hướng chính sách tiền tệ của Trung Quốc được đưa ra khi các trụ cột tăng trưởng truyền thống của nước này đang gặp nhiều thách thức. Các đối tác thương mại lớn của Trung Quốc như Mỹ và EU đã đặt ra nhiều hàng rào về thuế quan và kiểm soát xuất khẩu các mặt hàng quan trọng như bán dẫn. Trung Quốc đang tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa, tìm cách thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng và lĩnh vực công nghệ cao để tăng sức cạnh tranh.

Các quyết sách của Chính phủ Trung Quốc nhiều khả năng sẽ được công bố cụ thể hơn tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương thường niên sẽ diễn ra vào thứ Tư và thứ Năm tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước