Bê bối thịt bẩn Brazil: EU yêu cầu Brazil tạm ngừng xuất khẩu thịt. (Ảnh: Reuters)
Hai công ty JBS và BRF bị thiệt hại sau khi có tên trong danh sách 20 công ty đang bị điều tra vì tình nghi có dính líu tới vụ bê bối thịt bẩn tại Brazil.
Theo số liệu do công ty tư vấn Economatica công bố, tổng doanh thu của JBS, tập đoàn xuất khẩu thịt gia cầm và thịt bò số một thế giới, đã giảm 15,35% từ 10,52 tỷ USD xuống còn 8,9 tỷ USD trong vòng một tháng (từ 16/3 - 16/4) sau khi vụ bê bối thịt bẩn tại Brazil bị phát giác ngày 17/3. BRF thiệt hại ít hơn với mức doanh thu giảm 1,45%.
Vụ bê bối thịt bẩn tại Brazil bị phát giác hôm 17/3 vừa qua khi cảnh sát nước này thông báo phát hiện một đường dây nhận hối lộ, cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm thịt không đạt chất lượng được đưa ra tiêu thụ trên thị trường, cũng như cho phép các cơ sở sản xuất sử dụng chất cấm giúp các sản phẩm chế biến từ thịt có màu đẹp và mùi thơm. Từ đó, nhà chức trách Brazil đã mở cuộc điều tra trên diện rộng nhằm phanh phui các hoạt động phi pháp tại các cơ sở đóng gói thịt ở nước này. Tính đến nay, có tổng cộng 21 cơ sở đóng gói thịt, trong đó có BRF và JBS, bị phát hiện có hành vi "lót tay" cho các nhân viên kiểm dịch để họ "làm ngơ" và thay đổi hạn của các mặt hàng thực phẩm, các loại thịt bị tiêm nước,cũng như các sản phẩm không đảm bảo vệ sinh khác. Ít nhất 63 người đã bị buộc tội dính líu tới một đường dây này.
Vụ bê bối trên khiến ít nhất 25 quốc gia tạm thời ngừng nhập khẩu thịt từ Brazil, ước tính làm doanh thu hàng năm trên thị trường xuất khẩu của nước này sụt giảm khoảng 1,5 tỷ USD.
Brazil là quốc gia xuất khẩu thịt bò và thịt gia cầm số một thế giới, đồng thời đứng thứ tư về xuất khẩu thịt lợn. Vụ bê bối xảy ra đúng lúc giới chức Brazil đang nỗ lực đẩy nhanh việc ký kết hiệp định tự do thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU).
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!