Sau vụ tai nạn máy bay của hãng Lion Air hồi tháng 10 năm ngoái, các nhà điều tra cho rằng, một bộ cảm biến trên chiếc MAX 8 đã bị lỗi và chương trình lái tự động mới có thể vô hiệu hóa một tính năng mà phi công sẽ sử dụng để điều khiển máy bay.
Song bất chấp khuyến cáo này, Boeing không đưa ra giải pháp cụ thể nào mà chỉ dừng lại ở việc công bố bản hướng dẫn phi công xử lý nếu gặp tình huống tương tự.
Không 1 phiên bản phần mềm nào cho MAX 8 được cập nhật, phản ứng trên được xem là quá chậm chập và không thuyết phục. Làn sóng "tẩy chay" 737 MAX lan rộng trên toàn cầu cho thấy khách hàng của Boeing đang mất lòng tin nghiêm trọng.
Chị Madison Applebee - hành khách trên chuyến bay 737 MAX - cho hay: "Khi nghe tin nhiều nước cấm sử dụng dòng máy bay này, tôi đã giật mình khi phát hiện mình sắp leo lên 1 con 737 MAX. Nếu biết sớm hơn, tôi sẽ không bay chuyến này".
Theo ông Dennis Culloton, CEO Công ty xử lý khủng hoảng truyền thông Culloton Strategies, Mỹ: "Boeing đang tập trung vào công tác điều tra vụ tai nạn. Tuy nhiên những gì họ làm lại được giữ bí mật. Chính vì vậy, Boeing đã thực sự bỏ lỡ cơ hội truyền tải thông tin và khuyến nghị tới các hãng hàng không, hành khách, thị trường để họ biết điều gì đang xảy ra và có kế hoạch hành động".
Kể từ sau vụ tai nạn máy bay ở Ethiopia, giá cổ phiếu giảm mạnh khiến 33 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường bốc hơi.
Cuộc khủng hoảng lòng tin về máy bay 737 MAX sẽ còn kéo theo nhiều hệ lụy khác. Ngoài 150.000 nhân viên của Boeing bị ảnh hưởng, các nhà cung cấp trực tiếp và gián tiếp cho việc sản xuất dòng máy bay này như General Electric (GE) hay Safran, cũng không tránh được tác động khi các đơn hàng bị hủy bỏ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!