"Các địa phương là điều kiện khác nhau, trình độ phát triển khác nhau và khả năng phát triển cũng sẽ khác nhau, nếu tạo nên cú huých cho các địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển nhanh lên được thì cần phải có một số cơ chế, chính sách đặc thù", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế.
Theo ông Dũng, các nội dung trong dự thảo chỉ là một số cơ chế, chính sách có tính chất đặc thù và để cho làm thí điểm các điều kiện để cho các tỉnh này có điều kiện bứt phá lên.
"Còn hệ thống chính sách của chúng ta vẫn phải đảm bảo giữ nguyên, chứ không có sự mất công bằng trong hệ thống pháp luật của chúng ta", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.
Ông Dũng cũng cho biết dự thảo được xây dựng phù hợp với đường lối, phương hướng, nhiệm vụ phát triển địa phương, tính hợp hiến, hợp pháp và tính khả thi. Bên cạnh đó, một số cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội phải bảo đảm tính tương đồng với các tỉnh, thành phố khác đã được áp dụng các cơ chế này.
"Dự thảo được xây dựng trên việc vừa đề cao sự tự lực, tự cường, vươn lên, cũng như tính năng động, chủ động, sáng tạo của các địa phương. Phù hợp với năng của cân đối ngân sách và không ảnh hưởng đến bội chi, vượt trần nợ công", ông Dũng cho biết thêm
Bên cạnh đó là sự tăng cường phân cấp, phân quyền nhưng phải đi đôi với xác định trách nhiệm cũng như là các cơ chế để kiểm soát, kiểm tra, giám sát, phù hợp với năng lực, điều kiện thực tiễn của từng địa phương.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tiếp thu, giải trình, làm rõ thêm một số ý kiến liên quan đến dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế
Trước đó trong phần cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết, đại biểu Cầm Hà Chung (đoàn Phú Thọ) cho rằng cần làm rõ những tiêu chí trong việc lựa chọn các địa phương để thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù.
"Vì sao địa phương kia có nhiều cơ chế đặc thù, địa phương này được thí điểm? Vì sao có địa phương có chính sách riêng, trong khi nhu cầu cuộc sống của người dân và cán bộ là như nhau? Có đặc quyền, đặc lợi ở đây không, có phân biệt con đẻ, con nuôi không, có không công bằng không?", ông Chung đặt vấn đề.
Không hụt thu
Đi sâu hơn vào ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, về vấn đề bổ sung có mục tiêu từ tiền tăng thu trên địa bàn của các tỉnh, thành phố, ông Dũng cho biết Chính phủ đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó quy định ngân sách trung ương hỗ trợ mục tiêu cho các tỉnh, thành phố tăng từ tăng thu nhưng không vượt quá 70% và phải đảm bảo hai điều kiện khống chế.
Thứ nhất là không vượt quá tổng số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu so với thực hiện thu của năm trước. Đây là điều kiện để các tỉnh không được hạ dự báo kế hoạch để được hưởng cao hơn.
Thứ hai là ngân sách trung ương không hụt thu. Đây là 2 điều kiện để khống chế. Chính sách này vẫn đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và khả năng thực tế hỗ trợ của trung ương để tránh việc dự toán không sát thực tế.
Điều chỉnh phí, lệ phí phải có lộ trình
Về chính sách phí và lệ phí trên địa bàn, ông Dũng cho biết việc thực hiện chính sách này là thực hiện chủ trương phân cấp, trao quyền cho Hội đồng nhân dân của cấp tỉnh được chủ động, linh hoạt trong thực hiện chính sách này để bảo đảm nguồn thu phát huy hiệu quả.
Mỗi địa phương có thể lựa chọn điều chỉnh phí và lệ phí khác nhau và phí môi trường, phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng công cộng, cảng biển… Tuy nhiên, việc ban hành các phí, lệ phí này phải có lộ trình phù hợp với thực tế.
"Hôm nay có rất nhiều đại biểu có nói dịch COVID-19 vừa rồi ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân, nếu chúng ta điều chỉnh không có kiểm soát, không có lộ trình thì sẽ tác động ngay đến các doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng, chúng tôi cũng thống nhất là phải có lộ trình", ông Dũng cho biết.
Ngày 22/10, trình bày dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong việc thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển các địa phương.
"Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh Nghệ An với 6 cơ chế, chính sách và tỉnh Thanh Hóa với 8 cơ chế, chính sách", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Cụ thể, hai tỉnh Thừa Thiên - Huế, Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp.
Đối với thành phố Hải Phòng, hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.
Đối với hai tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Nghệ An, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho các tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu của hàng hóa xuất, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.
Đối với tỉnh Thanh Hóa, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao nhưng không vượt quá số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua cảng Nghi Sơn so với thực hiện năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu.
Đối với định mức chi thường xuyên, các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên - Huế được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!