Hiện tượng hằn lún vệt bánh xe được xác định do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, theo Lãnh đạo Bộ GTVT, cùng một tuyến đường nhưng có chỗ xảy ra hằn lún, chỗ lại không, vì thế, cần nhìn nhận nguyên nhân chủ quan từ phía các nhà thầu thi công, không thể chỉ quy cho nguyên nhân thời tiết.
Tại một đoạn Quốc lộ 1 mở rộng qua tỉnh Thanh Hóa, đơn vị thi công đã tiến hành sửa chữa những vết hằn lún dài hàng chục mét bằng cách cào bóc lớp nhựa đường cũ và trải thảm lại mặt đường.
Theo đơn vị tư vấn giám sát, có khoảng 7/55km Quốc lộ 1 đoạn từ Thanh Hóa đến huyện Diễn Châu của tỉnh Nghệ An xảy ra hiện tượng này.
Theo báo cáo về tình trạng hằn lún vệt bánh xe của Bộ GTVT, dự án mở rộng QL1 đoạn qua địa phận các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2015 hiện có tỷ lệ hằn lún gần 4%. Bên cạnh việc phải tự bỏ chi phí để khắc phục các đoạn hằn lún trong thời gian bảo hành, nhà thầu thi công cũng sẽ phải thay đổi vật liệu để tránh tái diễn hiện tượng hằn lún sau khi đã sửa chữa.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, với các tuyến đường được đầu tư theo hình thức BOT, nếu xảy ra hằn lún sâu quá 2,5 cm, chủ đầu tư phải dừng thu phí để sửa chữa. Đối với các tuyến đường đầu tư bằng ngân sách, nhà thầu sẽ phải bỏ tiền để khắc phục hằn lún trong thời gian 2 năm bảo hành. Riêng với Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh, Bộ GTVT yêu cầu bảo hành trong 4 năm.
Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu nhà thầu phải điều chỉnh thiết kế phù hợp cho các đoạn tuyến có lưu lượng xe nặng và mật độ xe lớn cục bộ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!