Bộ Công Thương: Vì thép Nga, DN lo phá sản là không có căn cứ

Báo Đầu tư-Thứ năm, ngày 25/09/2014 13:19 GMT+7

Trước những lo ngại của DN thép về khả năng khó cạnh tranh, phá sản khi thuế nhập khẩu thép từ Nga giảm mạnh về 0%, Bộ Công Thương khẳng định đó là lo lắng không hề có căn cứ.

Quan điểm giữa Bộ Công Thương, cơ quan chủ trì đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakshtan (VCUFTA) với Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) và các doanh nghiệp (DN) sản xuất thép trong nước tiếp tục căng thẳng.

Trước những lo ngại của DN thép về khả năng khó cạnh tranh, đóng cửa hàng loạt khi thuế nhập khẩu thép từ Nga giảm mạnh về 0% nếu VCUFTA được ký kết, Bộ Công Thương đã phát đi thông cáo trấn an DN và dư luận.

DN thép lo ngại khó cạnh tranh, phải đóng cửa hàng loạt khi thuế nhập khẩu thép từ Nga giảm mạnh về 0%

Theo lập luận của Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), trong số nhiều mặt hàng sắt thép phía Liên minh yêu cầu ưu tiên cắt giảm thuế quan, chỉ có một số loại thuộc danh mục do VSA đề nghị bảo lưu lộ trình cắt giảm thuế.

Như vậy, về tổng thể, phía Liên minh có thể cung cấp cho Việt Nam nhiều mặt hàng sắt thép mà trong nước không sản xuất, phía Liên minh sẽ phải tự cạnh tranh với các đối tác khác trên thị trường Việt Nam.

“Nga là đất nước rộng lớn và những trung tâm sản xuất thép của Nga tập trung ở miền Trung, cách Viễn Đông xa hơn khoảng cách từ Viễn Đông đến Việt Nam. Như vậy, việc chuyên chở sắt thép từ các nhà máy này, qua Viễn Đông và về Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh với mặt hàng sắt thép tương tự đang lưu hành trên thị trường Việt Nam, vốn đang gây lo ngại lớn cho ngành thép Việt Nam”, Vụ Thị trường châu Âu nhận xét và cho rằng, lo ngại về việc ngành thép sẽ bị phá sản khi VCUFTA được ký kết là không có căn cứ.

Ngay sau khi Bộ Công Thương cho rằng, lo ngại của ngành thép Việt Nam là không có căn cứ, VSA cũng đã nhanh chóng lên tiếng.

VSA cho hay, Hiệp hội và các DN thép đã xem xét kỹ danh mục đề xuất này và đưa ra 41 mặt hàng đề nghị mức độ ưu tiên, cân nhắc khi đưa ra lộ trình cắt giảm thuế. Nghĩa là, 41 mặt hàng này cần giữ lộ trình giảm thuế 10 năm, chứ không thể về 0% ngay lập tức, hoặc về 0% sau 5 năm ký kết.

“Nhìn về số lượng, 41 mặt hàng chỉ chiếm tỷ lệ 24,55% trong tổng số 167 mặt hàng, là con số thấp. Trong số 41 mặt hàng này, chỉ có 37 mặt hàng nằm trong danh mục 167 mặt hàng đối tác yêu cầu. Với danh mục mặt hàng nhỏ và không phải mặt hàng nào đối tác cũng yêu cầu cắt giảm ngay, lý do gì phía Việt Nam đề nghị cả danh mục dài, trong đó có 41 mặt hàng nhạy cảm của ngành sản xuất trong nước cũng có khả năng sản xuất”, đại diện VSA nhận xét và cho rằng, việc tham gia Hiệp định với Liên minh Hải quan cần có lộ trình đủ dài cho ngành sắt thép trong nước tiếp tục ổn định và phát triển, chứ không phải thúc đẩy sự phát triển của ngành này, đồng thời mang tính loại trừ ngành khác.

Hiện công suất của các nhà máy thép ở Việt Nam là hơn 11 triệu tấn phôi, hơn 9,22 triệu tấn thép xây dựng và hơn 2,1 triệu tấn ống thép. Trong khi đó, do nhu cầu thị trường, các nhà máy hiện nay đều sản xuất cầm chừng, nhiều nơi chỉ sản xuất 50-60% công suất thiết kế. Ngoài ra, có những DN nhỏ không cạnh tranh được đã phá sản.

Công nghiệp nặng là nòng cốt, tạo tiền đề phát triển cho các ngành công nghiệp khác. Do vậy, rất cần các nhà làm chính sách cân nhắc lợi ích, đưa ra lộ trình phù hợp để góp phần phát triển ngành công nghiệp nặng trong nước. Việc mở cửa thị trường một cách nhanh chóng và ồ ạt có thể giết chết một ngành hàng còn non trẻ.

 

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước