Bình Định là tỉnh có đàn lợn lớn nhất miền Trung với khoảng 850.00 con. Mức độ tăng trưởng từ ngành chăn nuôi lợn đạt 6 - 8% năm và có quy mô lớn thứ 5 trên cả nước. Cũng như nhiều địa phương khác, suốt nhiều tháng qua, người chăn nuôi đã rơi vào cảnh lao đao khi giá lợn hơi giảm sâu. Trước tình hình này, UBND tỉnh Bình Định đã triển khai giải pháp hỗ trợ nông dân kịp thời.
Con số được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định đưa ra cho thấy giá lợn hơi trung bình tại các địa phương trong tỉnh hiện chỉ còn ở mức từ 19.000 - 24.000 đồng/kg, giảm hơn 50% so với cùng kỳ các năm trước. Mỗi kg thịt lợn hơi, người chăn nuôi đang chịu lỗ từ 12.000 -15.000 đồng. Tuy nhiên, một bất cập rõ nhất hiện nay là trong khi giá lợn hơi giảm mạnh, giá thịt lợn bán ra tại các chợ vẫn cao, ở mức 70.000 - 80.000 đồng/kg. Trong khi đó, cả tỉnh Bình Định còn khoảng hơn 41.000 tấn lợn hơi tồn trong dân chưa có thị trường tiêu thụ. Điều này càng tạo điều kiện cho tư thương ép giá, trục lợi.
Giá lợn hơi rớt mạnh, không có đầu ra đã khiến người chăn nuôi gánh nợ. Số dư nợ của các hộ chăn nuôi lợn tại các ngân hàng thương mại tính đến cuối tháng 4/2017 là hơn 630 tỷ đồng. Bên cạnh đó, người chăn nuôi lợn tỉnh này cũng đang thiếu nợ tiền thức ăn cả nghìn tỷ đồng, riêng huyện Hoài Ân - vùng nuôi lợn lớn nhất tỉnh Bình Định là 700 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, sắp tới, Bình Định sẽ triển khai hỗ trợ chi phí giết mổ, miễn phí các phí, lệ phí về kiểm dịch và miễn các thuế liên quan đến tiêu thụ thịt lợn. Một cuộc vận động các doanh trại quân đội, công an, doanh nghiệp, trường học có bếp ăn tập thể hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm bằng cách tăng sử dụng thịt lợn trong khẩu phần ăn hàng ngày cũng sẽ được triển khai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!