Theo đó, trong giai đoạn 2014 – 2017, BIDV dành 15.000 tỷ đồng để cho vay đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, cho vay vốn lưu động để khai thác hải sản và cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ theo chính sách của Nghị định 67; cho vay ngắn hạn thi công đóng tàu, cho vay ứng trước vốn đối với chương trình phát triển thủy sản do vốn ngân sách Nhà nước bố trí; cho vay phát triển nuôi trồng, sản xuất giống, chế biến thủy hải sản và gia tăng năng lực chế biến hải sản, cá ngừ đại dương.
Để nguồn vốn được triển khai nhanh chóng đến với đối tượng được hỗ trợ trong Nghị định, đặc biệt, đối với các địa phương thuộc 28 tỉnh/thành phố triển khai chương trình, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam kiến nghị các địa phương sớm thành lập Ban chỉ đạo triển khai các chính sách phát triển thủy sản tại địa phương, đề xuất cho phép các ngân hàng thương mại được tham gia từ giai đoạn xem xét, duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đẩy nhanh quá trình cấp tín dụng.
Ngân hàng cũng đề nghị Chính phủ sớm xác định ngân sách bố trí hỗ trợ cho các địa phương về đầu tư các cơ sở hậu cần nghề cá, quy hoạch lại các ngư trường đánh bắt và tổ chức tốt hoạt động đánh bắt theo mô hình chuỗi khai thác khép kín nhằm nâng cao sản lượng và giá trị đánh bắt. Phía Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cam kết xây dựng quy trình, hướng dẫn thủ tục cho vay đối với khách hàng ngắn gọn, đơn giản, phù hợp với Nghị định của Chính phủ về phát triển thuỷ sản và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, thời gian cam kết xử lý trả lời trong 4 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ vay vốn.