Bất chấp COVID-19, hàng Trung Quốc vẫn dồn dập đổ về Việt Nam

Theo Dân trí-Thứ năm, ngày 03/12/2020 08:05 GMT+7

VTV.vn - Bất chấp các khó khăn của đại dịch COVID-19, hàng hóa (chủ yếu là nguyên liệu, linh kiện, máy móc...) Trung Quốc vẫn dồn dập đổ vào Việt Nam.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2020, hàng hóa Trung Quốc, trong đó phần lớn là hàng nguyên vật liệu từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam ngày càng nhiều hơn so với trước đây.

Cụ thể, trong 10 tháng năm nay, Việt Nam chi hơn 65,5 tỷ USD nhập hàng hóa từ Trung Quốc, tăng hơn 3,6 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 10, hàng hóa Trung Quốc đổ về Việt Nam cũng nhiều hơn gần 1,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Bất chấp COVID-19, hàng Trung Quốc vẫn dồn dập đổ về Việt Nam - Ảnh 1.

Bất chấp đại dịch, hàng hóa, chủ yếu là linh kiện, máy móc từ Trung Quốc vẫn dồn dập về Việt Nam

Các hàng hóa có giá trị nhập khẩu cao nhất từ Trung Quốc về Việt Nam tập trung vào máy móc, công nghệ và vật liệu như máy vi tính, linh kiện, điện tử; máy móc, thiết bị và phụ tùng; vải may mặc các loại và điện thoại cùng linh kiện.

Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2020, hai loại hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc gia tăng ở Việt Nam là máy vi tính, linh kiện, điện tử đạt 14 tỷ USD, tăng hơn 4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và tăng gấp 50% so với năm 2018. Sản phẩm máy móc, thiết bị và phụ tùng cũng tăng khá mạnh đạt 13,1 tỷ USD, tăng hơn 1,1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và tăng hơn 3,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2018.

Trong khi đó, 2 mặt hàng nhập khẩu nhiều tỷ USD là vải và điện thoại linh kiện nhập khẩu về Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ. Cụ thể, vải các loại nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam trong 10 tháng năm 2020 chỉ đạt 5,8 tỷ USD, giảm 500 triệu USD so với cùng kỳ năm trước và bằng với kim ngạch của cùng kỳ năm 2018.

Các mặt hàng như điện thoại và linh kiện điện thoại Trung Quốc nhập về Việt Nam trong 10 tháng năm 2020 đạt 6,1 tỷ USD, giảm hơn 300 triệu USD so với cùng kỳ năm trước và hơn 800 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Việc mặt hàng máy móc, thiết bị phụ tùng và linh kiện điện tử nhập khẩu từ Trung Quốc gia tăng về Việt Nam cho thấy nhu cầu loại vật liệu này đang rất lớn tại Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp Việt nhập khẩu về để gia công, lắp ráp máy móc.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam vẫn luôn nhập siêu ở thị trường Trung Quốc dù đã cố gắng cải thiện, cân bằng. Nhưng thay vì nhập khẩu các loại hàng hóa thô sơ, qua sơ chế, máy móc, hiện nay Việt Nam gia tăng nhập khẩu các mặt hàng là thiết bị, linh kiện cho các ngành lắp ráp thiết bị điện tử, ti vi, điện thoại, thiết bị điện lạnh... Điều này gây lo ngại cho việc Việt Nam tham gia Hiệp định RCEP có thể sẽ khiến nhiều ngành, lĩnh vực phụ thuộc vào nhập khẩu của Trung Quốc.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, hết tháng 9, vốn đầu tư của Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Đài Loan đạt hơn 19,6 tỷ USD, vượt qua cả Hàn Quốc, Nhật Bản, đứng đầu trong số các đối tác đầu tư vào Việt Nam năm 2020.

Vốn của Trung Quốc và các bên liên quan của nước này gấp 3 lần so với vốn của các nước phát triển từ EU như Đức, Pháp, Hà Lan, Anh vào Việt Nam, bất chấp Việt Nam ký kết với các đối tác này Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam và EU (EVIPA). Việc gia tăng vốn, hàng hóa vào Việt Nam cho thấy Trung Quốc đang ngày càng tăng cường sự ảnh hưởng và muốn gắn chặt về kinh tế với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng với Trung Quốc nhất là trong bối cảnh RCEP đang được thành lập.

Trung Quốc 'thắt chặt' việc giám sát hoạt động livestream bán hàng Trung Quốc "thắt chặt" việc giám sát hoạt động livestream bán hàng

VTV.vn - Trước tình trạng nhiều cáo buộc quảng cáo sai sản phẩm và bán hàng giả qua livestream, Trung Quốc đã soạn ra bộ quy tắc quản lý hoạt động livestream bán hàng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!


Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước