Bán đấu giá các khoản nợ xấu hầu hết “ế ẩm”

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ tư, ngày 17/10/2018 09:19 GMT+7

VTV.vn - Hiện việc bán đấu giá các khoản nợ xấu hầu hết ế ẩm dù đó là dự án nằm ở vị trí đắc địa. Nguyên nhân do đâu?

Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu sẽ là "chìa khóa" tháo được vướng mắc giúp các ngân hàng xử lý khối nợ xấu tồn đọng hàng thập niên trong hệ thống. Tuy nhiên, thực tế việc bán đấu giá các khoản nợ xấu hầu hết ế ẩm dù đó là dự án nằm ở vị trí đắc địa. Nguyên nhân được báo Thanh niên chỉ ra là "ế vì giá cao".

Cụ thể, chiều 8/10 - hạn cuối nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá khoản nợ của công ty CP Thuận Thảo Sài Gòn và 92 khách hàng nhưng không có người tham gia. Đây là lần thứ ba, khoản nợ này được mang ra đấu giá, tuy nhiên "số phận" cũng giống như hai lần trước đó là ế. Mới đây, khoản nợ này được công bố giảm giá đấu phiên tới xuống thêm khoảng 50 tỷ đồng do không có nhà đầu tư đăng ký mua. Theo báo Thanh niên, đây không phải là trường hợp cá biệt.

Là khoản nợ thu hồi đầu tiên theo Nghị quyết 42, dự án phức hợp Sài Gòn One Tower có vị trí đắc địa (34 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM). Tuy nhiên, hơn 1 năm trôi qua, khoản nợ này vẫn chưa được xử lý khi mức đấu giá lên tới hơn 6.000 tỷ đồng. Theo giới đầu tư, dự án này mới chỉ hoàn thành phần thô nhưng bỏ hoang tới gần thập niên nên ngoài số tiền trên, người mua còn phải bỏ ra một số tiền lớn để triển khai tiếp dự án nên muốn bán được cũng không dễ.

Một đơn vị thực hiện tổ chức đấu giá cho biết, những khoản nợ bán trọn gói lớn rất "kén" khách. Chưa kể số lượng khoản nợ gần đây được các ngân hàng, công ty quản lý tài sản (VAMC) mang ra đấu giá tăng khá nhiều so với trước, dẫn đến cung nhiều hơn cầu.

Chủ tịch một công ty mua bán nợ thẳng thắn cho biết, nợ xấu như một "khúc xương" nên giá bán nợ phải thấp hơn giá thị trường mới đủ hấp dẫn, nếu giữ quan điểm bán nợ không mất vốn rất khó. Các nhà đầu tư có tâm lý muốn săn hàng giảm giá, còn các chủ nợ thường không muốn lỗ nặng nên vẫn đưa ra mức giá cao hoặc bằng nợ gốc.

Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng, Nghị quyết 42 của Quốc hội cho phép mua bán nợ xấu theo giá thị trường, thậm chí chấp nhận giá thấp hơn so với giá sổ sách là hỗ trợ rất lớn cho các ngân hàng bán nợ xấu. Tuy nhiên, việc bán nợ theo giá thị trường không phải dễ, đặc biệt là những khoản nợ lớn cần phải có công ty định giá chuyên nghiệp.

Thị trường bất động sản hồi phục đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu Thị trường bất động sản hồi phục đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu

VTV.vn - Thị trường bất động sản hồi phục đã góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước