Ba thế lực đang điều khiển giá dầu toàn cầu

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ sáu, ngày 23/11/2018 18:06 GMT+7

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

VTV.vn - Thống kê cho thấy, Mỹ, Nga và Saudi Arabia đang thống trị nguồn cung dầu toàn cầu.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu châu Á sáng nay (23/11) tiếp tục giảm, sau khi xuất hiện báo cáo cho thấy, dự trữ dầu thô của Mỹ "leo" lên mức cao nhất 1 năm. Nếu như trong quá khứ, hễ giá dầu giảm, OPEC liền họp lại để siết van bơm. Nguồn cung giảm, dầu lập tức lên giá. OPEC lại ung dung thu về hàng tỷ USD. Tuy nhiên, theo trang Bloomberg, mệnh đề này dường như không còn đúng nữa, với dòng tít lớn "Ba thế lực đang điều khiển giá dầu toàn cầu", đó là Mỹ, Nga, Saudi Arabia.

Theo Bloomberg, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã đánh mất quyền kiểm soát trên thị trường dầu toàn cầu.

Hiện tại, mỗi hành động, hoặc dòng tweet của Tổng thống Mỹ - Donald Trump, Tổng thống Nga - Vladimir Putin và Thái tử Saudi Arabia - Mohammed Bin Salman mới là yếu tố quyết định hướng đi của giá dầu năm tới và cả sau đó nữa. Nhưng dĩ nhiên, mỗi người lại có một mục đích khác nhau.

Thống kê cho thấy, Mỹ, Nga và Saudi Arabia đang thống trị nguồn cung toàn cầu. Tổng sản lượng của 3 nước này còn lớn hơn 15 nước thành viên cộng lại OPEC. Cả 3 cũng đều đang bơm dầu với tốc độ kỷ lục ra thị trường và có thể tiếp tục tăng sản lượng năm tới. Tuy nhiên sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa Big 3 đang diễn ra.

Chỉ trong 6 tuần, giá dầu mất hơn 20% và rơi vào thị trường đầu cơ giá xuống. Ngay lập tức, Saudi Arabia tuyên bố sẽ giảm xuất khẩu 500.000 thùng dầu/ngày trong tháng tới. Đối với Thái tử Bin Salman, doanh thu từ dầu mỏ chính là máu cho kế hoạch cải tổ đầy tham vọng của Saudi Arabia. IMF dự báo vương quốc này cần giá dầu khoảng 73,3 USD/thùng năm tới. Trong khi, dầu Brent hiện còn kém số này 10 USD. Do vậy, cắt giảm sản lượng là bắt buộc.

Song kế hoạch này lại đang gặp thách thức từ Tổng thống Putin và Tổng thống Trump. Ông Putin tỏ ra không mấy mặn mà với việc lại giảm sản lượng lần nữa. Ngân sách của Moskva hiện ít phụ thuộc vào giá dầu hơn nhiều so với năm 2016.

Sự phản đối của ông Trump với Saudi Arabia thì lớn hơn. Nó diễn ra đúng thời điểm Thái tử Bin Slaman cố gắng duy trì quan hệ chính trị hai nước sau vụ nghị sĩ Mỹ cân nhắc trừng phạt nước này mạnh tay hơn do cuộc chiến tại Yemen và cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi.

Các chuyên gia nhận định, nếu mối quan hệ giữa 3 quốc gia kiểm soát vòi dầu hiện nay tiếp tục cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, sự cân bằng cung - cầu trên thị trường vàng đen sẽ còn biến động và rất có thể giá dầu khó lòng thoát khỏi thị trường đầu cơ giá xuống hiện nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước