Ất Mùi 2015 - Năm của hội nhập

Thanh Hoa (thoisu@vtv.vn)-Thứ sáu, ngày 20/02/2015 07:12 GMT+7

(VTV.vn) - Những ngày đầu xuân, nói về thách thức và cơ hội do Cộng đồng ASEAN mang lại cũng là để các DN có thêm động lực nhằm chuẩn bị cho một năm được coi là năm hội nhập.

Sức nóng được cảm nhận rõ rệt tại Diễn đàn Lãnh đạo Doanh nghiệp ASEAN quy tụ gần 1000 đại biểu đại diện các công ty, tập đoàn, chính phủ, giới học giả nghiên cứu diễn ra ngay trước Tết. Thông điệp mạnh nhất trong diễn đàn này là: Giờ không còn là thời điểm để doanh nghiệp nói mà cần hành động để nắm lấy cơ hội mà Cộng đồng ASEAN mang lại.

Ông John Chong, Chủ tịch Tập đoàn Maybank Kim Eng, Malaysia nói: "Điều quan trọng cho các công ty ASEAN bây giờ là nghĩ ASEAN, hành động ASEAN và trở thành ASEAN".

Ông Gita Wirjawan, Cựu Bộ trưởng Thương mại Indonesia cho rằng: "Một số nước vẫn còn lo ngại khi thị trường mở ra, ví dụ còn nhiều doanh nghiệp Indonesia vẫn chưa thể dán nhãn tiếng Anh lên sản phẩm của mình, trong khi ở một số nước ASEAN khác thì đã có doanh nghiệp đưa 4 thứ tiếng lên sản phẩm, bởi vì họ đã sẵn sàng khi cánh cửa Cộng đồng ASEAN mở ra vào ngày 31/12 năm nay".

Một thị trường với hơn 600 triệu dân và sẽ là nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới. Trở thành một Cộng đồng nên tất cả mọi người, từ nhà phân tích chứng khoán ở Singapore, một nông dân trồng lúa ở Thái Lan hay ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, hoặc người bán đồ ăn ở Malaysia, cho tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các lãnh đạo doanh nghiệp ở toàn bộ khu vực, đều cần phải tận dụng cơ hội.

Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, kể từ năm nay các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tìm ra được những phân khúc thị trường mà Việt Nam có thế mạnh thì mới tận dụng được cơ hội do Cộng đồng ASEAN tạo ra.

TS.Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ nhấn mạnh: "Trong hội nhập, FDI rất quan trọng, tức dòng vốn và dòng vốn này không phải giữa các nước ASEAN mà từ các nước phát triển EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ. Dòng vốn này tạo ra mạng sản xuất và chuỗi giá trị trong ASEAN gắn ASEAN với thế giới. Vì thế, các doanh nghiệp Việt phải len lỏi được vào, kết nối vào mạng đó. Điểm quan trọng nữa là dịch vụ. Có những lĩnh vực Việt Nam có nhiều lợi thế như du lịch, các nước ASEAN cũng có nhiều lợi thế nên, Việt Nam phải tìm ra được những phân khúc mà thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa của Việt Nam có lợi thế".

Cuối năm Giáp Ngọ 2014 vừa qua đã đánh dấu thời điểm sản phẩm của các nước ASEAN đã xuất hiện nhiều hơn trên thị trường Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Thái Lan đã tham gia mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam, lĩnh vực có nhiều lợi nhuận và có thể chi phối được các ngành sản xuất. Thậm chí có doanh nghiệp nước này còn mong muốn đầu tư vào lĩnh vực đường sắt của Việt Nam, thế nhưng, theo một khảo sát của Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội, có đến 80% số doanh nghiệp được hỏi là “rất thờ ơ, không hề quan tâm” đến hội nhập.

Cũng theo TS.Võ Trí Thành: "Cái chúng ta cần làm nhất của năm 2015 này, là cam kết chính sách của các chính phủ về AEC cần phải được chuyển tải tới các doanh nghiệp một cách sát sườn hơn, theo phân khúc, theo quy mô của doanh nghiệp".

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước