Apple tung chính sách bán hàng mua trước - trả sau

Lê Minh (PV Đài THVN thường trú tại Mỹ)-Thứ sáu, ngày 10/06/2022 13:05 GMT+7

VTV.vn - Trong nỗ lực nhằm thúc đẩy doanh số và tiến sâu hơn vào lĩnh vực kinh doanh tài chính, Apple vừa tung ra phương thức bán hàng "By now - Pay later" (mua trước - trả sau).

Tới đây, các tín đồ của trái táo khuyết sẽ có thể mua sản phẩm của Apple và thanh toán làm 4 lần trong vòng 6 tuần thông qua ứng dụng Apple Pay mà không phải trả bất kỳ khoản phí hay lãi suất nào. Theo Tạp chí phố Wall, điều đó sẽ làm gia tăng tính cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ mua hàng trả góp.

Theo bài viết, thị trường dịch vụ mua hàng trả góp đã bùng nổ trong những năm gần đây. 5 nhà cung cấp dịch vụ dẫn đầu số lượt tải xuống ứng dụng từ Apple Store hay Google Play Store, bao gồm cả Affirm và Klarna, có tổng cộng khoảng 7,5 triệu người dùng thường xuyên trong tháng 5 vừa qua, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021.

Ngay sau khi Apple công bố dịch vụ này, cổ phiếu của Affirm Holdings Inc., một nền tảng cung cấp dịch vụ mua hàng trả góp cho người tiêu dùng, đã giảm 3%.

Apple tung chính sách bán hàng mua trước - trả sau - Ảnh 1.

Một cửa hàng của Apple ở Singapore. (Ảnh: Reuters)

Theo tờ Bưu điện Washington, phương thức bán hàng trả góp không phải là mới, nhưng lại đang trở thành một xu thế hiện nay và Apple đã không thể đứng ngoài xu thế đó.

Việc thanh toán dần tiền mua hàng theo từng tuần hay tháng đã được phát triển từ năm 1840 khi các nhà sản xuất nội thất, đàn piano và thiết bị nông nghiệp tìm cách để khách hàng dễ dàng tiếp cận hơn với các sản phẩm của mình. Các hãng xe hơi sau đó tiếp tục thúc đẩy phương thức này trở nên phổ biến trước khi thẻ tín dụng được yêu thích.

Những năm gần đây, thế hệ Thiên niên kỷ hay Gen Z lại ưa chuộng phương thức trả góp hơn thẻ tín dụng. Theo Cơ quan quản lý hành vi tài chính Anh, 25% người dùng dịch vụ này có độ tuổi từ 18 - 24 và 50% có độ tuổi từ 25 - 36. Nguyên nhân là do giới trẻ ngày càng cảnh giác với cách các nhà cung cấp thẻ tín dụng kiếm lợi từ số dư nợ không trả đúng hạn. Họ thích kiểm soát lịch thanh toán của dịch vụ trả góp, thường từ 4 - 6 tuần, với chi phí rẻ, thậm chí không phải trả lãi suất.

Theo báo cáo của WorldPay, phương thức trả góp chiếm 2,9% giá trị giao dịch thương mại điện tử trên toàn cầu trong năm 2021, tương đương 157 tỷ USD. Tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên mức 5,3% vào năm 2025.

Hiện châu Âu đang dẫn đầu phương thức này với 8,1% chi tiêu thương mại điện tử năm 2021. Tỷ lệ này ở Bắc Mỹ là 3,8% trong năm 2021 và dự kiến sẽ tăng lên mức 8,5% vào năm 2025. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tỷ lệ này được dự báo đạt 1,8% vào giữa thập niên này, tương đương 78 tỷ USD.

Theo báo chí Mỹ, việc dịch vụ mua bán hàng trả góp trở thành xu thế nổi trội hiện nay còn nhờ vào sự bùng nổ của các công ty công nghệ tài chính với các ứng dụng thanh toán trực tuyến tiện lợi. Các công ty đang dẫn đầu lĩnh vực dịch vụ này tỏ ra không mấy lo lắng trước sự tham gia của Apple với ứng dụng Apple Pay, bởi đây là lĩnh vực mới và còn rất nhiều dư địa để phát triển.

Apple sẽ tăng 10% lương cho nhân viên Apple sẽ tăng 10% lương cho nhân viên

VTV.vn - Apple cho biết họ sẽ tăng lương cho nhân viên doanh nghiệp và bán lẻ vào cuối năm nay.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước