Việt Nam đang triển khai nhiều chính sách và hoạt động trong khuôn khổ tài chính toàn diện như phát triển tài chính vi mô, thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân. Tuy nhiên về lâu dài, Việt Nam sẽ xây dựng được một Chiến lược Quốc gia về tài chính toàn diện và triển khai một cách đồng bộ và bài bản. Việt Nam rất cần sự hỗ trợ và học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Dự kiến, chủ đề này sẽ được báo cáo lên Hội nghị Thượng đỉnh APEC đang diễn ra tại Đà Nẵng.
Tài chính toàn diện là một trong các yếu tố giúp hỗ trợ giảm nghèo, phát triển kinh tế toàn diện và bền vững. Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC vừa được tổ chức tại Hội An (tỉnh Quảng Nam) nhất trí cho rằng tập trung các cơ chế chính sách hỗ trợ tín dụng, các dịch vụ tài chính, ứng dụng các công nghệ tài chính mới, bảo hiểm rủi ro, giáo dục nâng cao nhận thức tài chính cho người dân, là định hướng quan trọng giúp thúc đẩy phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn của các nước APEC. Đây cũng là lĩnh vực được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm từ nhiều năm qua.
Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện. Hiện cơ quan này đang xây dựng dự thảo khung chiến lược quốc gia tài chính toàn diện dự kiến trình Thủ tướng thông qua vào năm 2020. Nhiều kinh nghiệm thu nhận từ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC sẽ được nghiên cứu để đưa vào chiến lược.
Với sự tương đồng về tỷ lệ người dân ở khu vực nông thôn cao nên phát triển tài chính toàn diện là chủ đề được nhiều nước APEC đặc biệt chú trọng. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC cũng đã đề xuất cần tăng cường thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng Báo cáo khuyến nghị về các giải pháp tổng thể chung về tài chính toàn diện hỗ trợ hiệu quả cho phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững trong các nền kinh tế APEC.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!