So với đầu năm trung bình mỗi lít xăng, dầu đã cao hơn khoảng 1.500 đồng/lít. Nhưng giá của mỗi lít xăng dầu còn tiếp tục tăng cao hơn hiện nay khi thuế bảo vệ môi trường được áp dụng. Giá cả nhiều mặt hàng cũng đã và đang tăng, và dự báo còn tiếp tục tăng nữa.
Chưa đến năm học mới, nhưng học phí mới đã có, với mức tăng 40% so với trước. Khoảng 2 tháng tới, gia đình của 1,8 triệu học sinh ở Hà Nội sẽ phải chi trả mức học phí mới. Và còn nhiều áp lực tăng giá đang dồn vào cuối năm.
Rất nhiều yếu tố tác động khiến áp lực tăng giá và lạm phát đang là rất lớn. Bởi, so với mốc lạm phát mục tiêu là 4%, từ nay đến cuối năm trung bình mỗi tháng giá cả chỉ được tăng khoảng 0,1% hoặc âm. Thách thức này không hề nhỏ.
Theo thống kê, chỉ số giá tiêu dùng nửa đầu năm đã tăng tới 3,29%. Bình quân mỗi tháng CPI tăng 0,37% so với tháng trước, cao hơn rất nhiều so với mức 0,03% của cùng kỳ năm 2017. Chính phủ và một số bộ đang cân nhắc lùi thời gian tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động về mặt tâm lý. Kiềm chế lạm phát là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu lúc này, không chỉ giúp ổn định đời sống nhân dân, mà còn giúp ổn định kinh tế vĩ mô.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!