Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện có nhiều loại gạo không có ý nghĩa đối với mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực trong khi diện tích gieo trồng ở một số tỉnh là khá lớn. Ví dụ như tỉnh An Giang, gạo nếp và các loại giống lúa Japonia (hạt tròn) là hai sản phẩm chủ yếu để phục vụ xuất khẩu và những năm qua đã hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ rất hiệu quả, do đó nếu không xuất khẩu sẽ có những ảnh hưởng rất lớn.
Trong kiến nghị gửi Thủ tướng, tỉnh An Giang cho rằng nếu tạm dừng xuất khẩu đến hết tháng 4, toàn tỉnh có trên 48.000 tấn gạo không giao hàng theo hợp đồng đã ký, thiệt hại tương đương trên 23,6 triệu USD của 16/18 doanh nghiệp. Tại An Giang diện tích nếp cũng khoảng 115 ngàn ha, cho sản lượng gần 750.000 tấn.
Tại Long An diện tích gieo trồng nếp chiếm hơn 30%. Hợp đồng đã ký kết nhưng chưa giao hàng từ nay đến cuối năm của các doanh nghiệp khoảng 204.000 tấn và tồn kho nếp hiện nay của các doanh nghiệp là gần 56.000 tấn.
Tại cuộc họp của Bộ Công Thương với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Hiệp hội lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu, đã có đề xuất nên loại trừ gạo nếp, gạo đồ và gạo hữu cơ ra khỏi diện dừng xuất khẩu vì mục tiêu sản xuất những loại giống lúa như trên là dùng để xuất khẩu, do đó không có nhiều ý nghĩa đối với việc đảm bảo an ninh lương thực, trong khi diện tích gieo trồng nếp ở một số địa phương như An Giang, Long An là khá lớn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!