Với tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm dự báo ước đạt 14,21%, tỉnh Hậu Giang tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu khu vực vùng ĐBSCL và vươn lên đứng đầu cả nước. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Hậu Giang vươn lên đứng đầu cả nước
Với tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2023 dự báo ước đạt 14,21%, tỉnh Hậu Giang tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu khu vực vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vươn lên đứng đầu cả nước.
Hai vị trí tiếp theo thuộc về Bắc Giang và thành phố Hải Phòng với mức tăng trưởng dự báo ước đạt lần lượt là 10,94% và 9,94%.
Ngoài ra, Quảng Ninh, Cà Mau, Nam Định, Hưng Yên, Ninh Thuận, Khánh Hòa và Thái Bình nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có mức dự báo tăng trưởng cao nhất 6 tháng đầu năm 2023.
Hải Phòng là thành phố trực thuộc trung ương duy nhất lọt top 10 địa phương có dự báo tăng trưởng cao trong 6 tháng đầu năm. 4 thành phố trực thuộc Trung ương còn lại dự báo có mức tăng trưởng khá khiêm tốn và chỉ xếp hạng mức trung bình cả nước.
Theo đó, Hà Nội được dự báo tăng 5,97%, xếp thứ hạng 30/63 tỉnh, thành phố; Đà Nẵng 3,74%, xếp thứ 46; Cần Thơ 3,71%, xếp thứ 47 và thấp nhất là Thành phố Hồ Chí Minh 3,55%, xếp thứ 48.
Ngược lại, 10 địa phương có dự báo tăng trưởng thấp nhất là Bắc Ninh giảm 12,59%; Quảng Nam giảm 9,16%; Lai Châu giảm 6,32%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 3,47%; Vĩnh Long chỉ đạt 0,44%; Hòa Bình đạt 0,73%; Hà Giang đạt 1,18%; Vĩnh Phúc đạt 1,69%; Sóc Trăng đạt 1,83% và Sơn La đạt 2,1%.
Theo Tổng cục Thống kê, kết thúc năm 2022, Hậu Giang đạt mức tăng trưởng ngoạn mục 13,94%, đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và vươn lên thứ 4 của nước (tăng 35 bậc so với năm 2021), với quan điểm tập trung phát triển 4 trụ cột quan trọng là công nghiệp - nông nghiệp - du lịch và đô thị, kinh tế Hậu Giang những tháng đầu năm 2023 tiếp tục khởi sắc, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh Hậu Giang đều có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ.
Quý I/2023, dù chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh không đạt được mức tăng như cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn đạt con số khá chú ý với mức tăng 13,05%.
Trong hai tháng 4 và 5, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tỉnh Hậu Giang tiếp tục tăng lần lượt là 14,47% và 13,91% so cùng kỳ; góp phần đưa chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm tăng 13,92% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong toàn ngành công nghiệp, tăng 8,34% so với cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 270,92%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 13,92%.
Cũng trong 5 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện trên địa bàn tỉnh Hậu Giang ước đạt 8,81 nghìn tỷ đồng, tăng 9,03% so cùng kỳ năm trước.
Đóng góp trong sự tăng trưởng mạnh mẽ của Hậu Giang trong những tháng đầu năm còn có đà tăng trưởng ổn định của tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành, nhờ sự phát triển nhanh của thị trường các nhóm hàng bán buôn, bán lẻ cùng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Dự báo chỉ số phát triển GRDP của 30 tỉnh, thành phố trong 6 tháng đầu năm 2023. (Nguồn: Tổng Cục Thống kê)
Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tỉnh Hậu Giang ước thực hiện được 23,32 nghìn tỷ đồng, tăng 13,3%.
Bên cạnh đó, tình hình hoạt động xuất, nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm cũng có sự tăng trưởng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, ủy thác và các dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng thực hiện ước đạt 455,32 triệu USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu ước thực hiện được 265,09 triệu USD, bằng 99,38% so với cùng kỳ; nhập khẩu ước thực hiện được 173,80 triệu USD, tăng 2,88% so với cùng kỳ năm trước.
Kinh tế Bắc Ninh tăng trưởng âm
Bên cạnh những địa phương có mức tăng trưởng cao, Bắc Ninh lại là địa phương có mức tăng trưởng âm, theo Tổng cục Thống kê.
Kinh tế của Bắc Ninh được dự báo tăng trưởng giảm mạnh nhất cả nước trong 6 tháng đầu năm 2023 là do sự sụt giảm sâu của khu vực công nghiệp, đặc biệt ở một số ngành chủ lực trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Nguyên nhân chủ yếu là nhu cầu tiêu dùng quốc tế suy yếu bởi một số quốc gia rơi vào tình trạng suy thoái, lạm phát, từ đó ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, nhất là xuất khẩu sản phẩm.
Cùng đó, nhiều doanh nghiệp của Bắc Ninh bị cắt giảm đơn hàng hoặc đơn hàng lẻ tẻ nên buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất, buộc người lao động phải nghỉ việc hoặc giảm giờ làm, thậm chí là giải thể. Khu vực FDI vốn là động lực kinh tế của Bắc Ninh cũng đang gặp phải nhiều vấn đề cần tháo gỡ.
Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh cho biết, tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm tới 19,02% so với cùng kỳ năm trước và đây cũng là mức giảm nhiều nhất trong 5 năm trở lại đây.
Dù trong những tháng đầu năm, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều nỗ lực trong việc giải ngân vốn đầu tư công, nhưng vẫn chưa đạt được những kết quả như mong muốn. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước lũy kế 5 tháng đầu năm 2023 giảm 10,2% so với cùng kỳ năm trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!