Xuất khẩu nông lâm thủy sản 4 tháng tăng mạnh
Xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản đang có được đà tăng trưởng rất khả quan. Nhờ điều kiện thuận lợi về nguồn cung và thị trường, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 4 ước đạt hơn 5,1 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 4 tháng đầu năm nay lên hơn 19 tỷ USD, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt gần 11 tỷ USD, tăng 32,5%; giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 152 triệu USD, tăng 3,6%; giá trị xuất khẩu thủy sản đạt gần 2,7 tỷ USD, tăng 4,2%; giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt hơn 5 tỷ USD, tăng gần 23%.
Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Mỹ, châu Phi, châu Á và châu Âu có mức tăng từ 19% - 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 20%; thị trường Trung Quốc chiếm gần 19%, và thị trường Nhật Bản chiếm gần 7%.
Ngành gỗ kỳ vọng vào thị trường Mỹ
Cũng trong 4 tháng đầu năm nay, ngành gỗ đã lấy lại đà tăng trưởng khi đạt hơn 4,8 tỷ USD, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, trong đó thị trường Mỹ chiếm ưu thế.
Các doanh nghiệp nhận định, năm nay sẽ có nhiều cơ hội vì nhu cầu nhà ở tại Mỹ đang tăng cao nhất là nhà gỗ. Mới đây, cũng đã có doanh nghiệp Việt thành công khi xuất khẩu được nguyên căn nhà gỗ đi Mỹ. Nhiều doanh nghiệp đã nhận đơn hàng quý II, quý III và đang tích cực bắt tay vào sản xuất để kịp tiến độ.
Doanh nghiệp Việt đã xuất khẩu được nguyên căn nhà gỗ đi Mỹ.
Cụ thể, 30 căn nhà gỗ này đã xuất khẩu thành công đi Mỹ. Thành công bước đầu này mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp có thêm đơn hàng xuất khẩu. Để làm được điều này, doanh nghiệp phải mở rộng nhà máy lên 12 ha để chứa hàng và nghiên cứu từng dòng sản phẩm phù hợp với mỗi thời điểm.
Còn với doanh nghiệp Furnist, hiện đơn hàng đã có đến hết tháng 4, xuất khẩu tăng hơn 40% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp nhìn nhận, dù thị trường chưa trở lại như năm 2022, nhưng với khởi đầu thuận lợi này sẽ là tiền đề cho doanh nghiệp trở lại đà tăng trưởng.
Ông Nguyễn Văn Sang - Giám đốc Điều hành nội ngoại thất Furnist cho biết: "Bên cạnh thị trường chính là Mỹ và châu Âu thì chúng tôi vẫn có các thị trường nhỏ như Trung Đông, Australia hay một số thị trường châu Á có nhu cầu thì chúng tôi vẫn tận dụng triệt để các thị trường đó để tăng doanh số".
Trong 4 tháng đầu năm nay, ngành gỗ đã lấy lại đà tăng trưởng khi đạt hơn 4,8 tỷ USD. Ảnh minh họa - Ảnh: PLO.
Năm nay, ngành gỗ đặt lại mục tiêu 17,5 tỷ USD trong bối cảnh thị trường cải thiện. Nhất là thị trường Mỹ - nơi chiếm hơn một nửa kim ngạch, đang có dấu hiệu phục hồi và có lượng đơn hàng đang tăng mạnh.
Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh cho biết: "Sức mua của thị trường Mỹ không giảm nhiều như dự kiến. Chúng ta cũng cố gắng chờ các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh và Trung Quốc phục hồi trở lại".
Một tín hiệu tích cực khác là đến thời điểm này, lượng tồn kho của các nhà mua hàng không còn nhiều nên đơn đặt hàng đang gia tăng. Trong đó phải kể đến đặc biệt là sản phẩm đồ gỗ ngoài trời với các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường.
Hiện nay, khách hàng quốc tế cũng rút ngắn thời gian đặt hàng và giao hàng nhằm tránh những rủi ro khi có những biến động về giá cả cũng như chi phí vận chuyển.
Để tăng tốc trong quý II này, các bộ, ngành sẽ tiếp tục thúc đẩy các thị trường mới, nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi... Tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực, phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!