EU cấm nhập khẩu hàng hóa gây mất rừng: Ngành gỗ Việt Nam có chịu tác động?

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 09/06/2023 12:33 GMT+7

VTV.vn - Hội đồng châu Âu vừa qua đã thông qua một dự luật ngăn chặn việc nhập khẩu các mặt hàng gây mất rừng và suy thoái rừng.

Ngành gỗ trước quy định mới của EU

Dự luật được Hội đồng châu Âu thông qua có tên chính thức là Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR), cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020.

Quy định của EU bao gồm nhiều mặt hàng từ chăn nuôi đến trồng trọt. Trong đó có thể thấy cùng cà phê, cao su thì gỗ và sản phẩm gỗ là những ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam có liên quan trực tiếp khi quy định này được áp dụng.

Tuy nhiên, Việt Nam đã ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện để tăng cường thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản với EU từ năm 2018. Việt Nam cũng đã đóng cửa rừng tự nhiên từ năm 2017 và Luật Lâm nghiệp cũng đã có những quy định khá chặt chẽ, nên theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, các sản phẩm xuất khẩu gỗ sang EU sẽ không chịu tác động nhiều.

Làng nghề gỗ xoay chuyển giảm gỗ rừng tự nhiên

Tuy nhiên, với thị trường nội thất trong nước, giảm gỗ rừng tự nhiên vẫn đang là một bài toán còn cần nhiều nỗ lực. Hàng năm Việt Nam nhập khẩu khoảng trên dưới 2 triệu m3 gỗ tròn và xẻ, 40% trong số này là các loại gỗ quý từ rừng tự nhiên như là gỗ lim, hương, gõ, cẩm…

Hầu hết lượng gỗ này được đưa vào các làng nghề gỗ truyền thống như Đồng Kỵ, La Xuyên... ở Hà Nội để tạo ra các sản phẩm như bàn, ghế, giường, tủ phong cách truyền thống, nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước. Trong đòi hỏi chung giảm khai thác gỗ rừng tự nhiên, các làng nghề cũng buộc phải nỗ lực thay đổi.

EU cấm nhập khẩu hàng hóa gây mất rừng: Ngành gỗ Việt Nam có chịu tác động? - Ảnh 1.

Với thị trường nội thất trong nước, giảm gỗ rừng tự nhiên vẫn đang là một bài toán còn cần nhiều nỗ lực. Ảnh minh họa.

Đã có thâm niên 25 năm sản xuất đồ gỗ, trung bình mỗi tháng cơ sở sản xuất của anh Điệp - Chủ cơ sở đồ gỗ Điệp Dương, làng nghề gỗ Vạn Điểm, Thường Tín, Hà Nội - sản xuất 35 khối gỗ gõ, cẩm, trắc, mun... nhập khẩu từ Nam Phi, thuộc nhóm gỗ rừng tự nhiên nhiệt đới. Là nghề truyền thống của làng, lại có lượng khách hàng quen thuộc, nên cơ sở đang khó chuyển đổi dù biết việc sản xuất từ gỗ rừng tự nhiên cần hạn chế.

Làng nghề mộc Vạn Điểm có hơn 550 hộ sản xuất đồ gỗ, tuy nhiên trên 95% các hộ đều sản xuất từ nguồn gỗ rừng nguyên sinh nhập khẩu.

Còn tại làng nghề mộc Liên Hà, 90% các hộ đã chuyển đổi sang nguyên liệu từ gỗ rừng trồng, tuy nhiên vẫn còn cần sử dụng một tỷ lệ nhỏ gỗ rừng tự nhiên.

Bề ngoài của một chiếc ngăn kéo bàn, được làm từ 100% gỗ rừng trồng trong nước. Để tạo vẻ đẹp cho phần ngăn kéo bàn này các hộ dân tại làng nghề mộc Liên Hà đã sử dụng một lớp veneer bằng gỗ hương nhập khẩu từ các quốc gia nhiệt đới. Đây là cách làng nghề mộc liên hà đã ứng dụng để 95% nguyên liệu tại làng nghề là từ gỗ rừng trồng trong nước.

Lớp veneer dù rất mỏng nhưng được cho là chưa thể thay thế khi thị hiếu thị trường vẫn còn ưa chuộng loại bề mặt này.

Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, mô hình chuyển đổi đến 90% như làng nghề mộc Liên Hà chỉ nằm trong nhóm ít ỏi 10 - 20% làng nghề đã có sự chuyển đổi bỏ dần việc sản xuất từ gỗ rừng tự nhiên, chuyển đổi sang gỗ rừng trồng. Trên 300 làng nghề gỗ trên cả nước hiện vẫn đang sử dụng nguồn gỗ rừng tự nhiên làm nguyên liệu đầu vào.

Hỗ trợ làng nghề chuyển đổi nguyên liệu sang gỗ từ rừng trồng

Chuyển đổi nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào tại các làng nghề sang các loại gỗ rừng trồng, truy xuất nguồn gốc rõ ràng không chỉ vì một ngành hàng gỗ bền vững hơn, xanh hơn, trách nhiệm hơn của Việt Nam với toàn cầu, mà còn là đảm bảo sinh kế cho các làng nghề gỗ trong tương lai khi các nguồn gỗ rừng tự nhiên sẽ bị loại bỏ khỏi chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Làng nghề truyền thống và các Hiệp hội doanh nghiệp ngành gỗ cần chung tay lên những giải pháp ngay từ bây giờ.

Nếu như sản phẩm từ gỗ rừng tự nhiên chủ yếu được đục, đẽo thủ công, cần sự khéo léo và chi tiết chạm trổ, thì đồ gỗ từ rừng trồng lại cần tẩm, sấy bằng máy móc và nên được sản xuất hàng loạt trên quy mô lớn. Các hộ tại làng nghề vốn quen hoạt động quy mô nhỏ lẻ, do đó cần mở rộng quy mô sản xuất tại làng nghề.

Ông Nguyễn Trần Thường - Chủ tịch Hội làng nghề mộc Liên Hà, Đan Phượng, Hà Nội bày tỏ: "Tôi cũng kiến nghị với nhà nước có chính sách phù hợp, tạo mặt bằng cho các hộ sản xuất và hỗ trợ về nguồn vốn với lãi suất vay phù hợp".

EU cấm nhập khẩu hàng hóa gây mất rừng: Ngành gỗ Việt Nam có chịu tác động? - Ảnh 2.

Cần hỗ trợ làng nghề chuyển đổi nguyên liệu sang gỗ từ rừng trồng. Ảnh minh họa.

Để hỗ trợ làng nghề chuyển đổi, Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam đã có những mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và hộ dân tại làng nghề, để doanh nghiệp hướng dẫn hộ dân sử dụng máy móc, thiết bị, chế biến sản phẩm từ nguyên liệu gỗ rừng trong nước. Ngoài ra, nhiều giải pháp tạo thị trường đầu ra cũng được tính đến.

Theo Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nghị định 102 của Chính phủ quy định gỗ rừng tự nhiên nhập khẩu là gỗ rủi ro về mặt pháp lý, ngành lâm nghiệp thời gian tới sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ nguồn gốc gỗ, đảm bảo nguồn gỗ hợp pháp mới tham gia vào chuỗi cung ứng trong nước và xuất khẩu.

Ông Triệu Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Trong thời gian tới, Cục Lâm nghiệp tiếp tục tham mưu cho Bộ để tổ chức quản lý, đảm bảo chỉ đạo các địa phương vấn đề sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ đảm bảo hợp pháp trước khi đưa vào chế biến và xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam".

Ngành lâm nghiệp cũng sẽ tổ chức, thực hiện hiệu quả Đề án Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng theo Quyết định 1288 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm chủ động nguyên liệu gỗ cho chế biến và xuất khẩu.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước