Trong đó, bao gồm Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia. Dự án luật này được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế, tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế.
Đối với Luật Ngân sách Nhà nước, dự thảo luật đề xuất cho phép các tỉnh, địa phương được dùng ngân sách của tỉnh mình để đầu tư dự án thuộc ngân sách trung ương, hoặc dự án có liên thông với tỉnh khác. Điều này sẽ tháo gỡ được "điểm nghẽn" về bố trí vốn đầu tư công, các dự án giao thông sẽ không còn phải "nằm mỏi mòn" chờ vốn như trước kia.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, VCCI đánh giá: "Trước đây chúng ta chỉ dồn vào Bộ, quá trình phân bổ mất thời gian, rất lâu. Việc trao quyền cho các tỉnh, thành phố, theo tôi đây là bước tiến. Nhu cầu địa phương rất cấp bách nên chính sự năng động sáng tạo, nỗ lực của các địa phương sẽ hiệu quả hơn việc trông chờ vào các Bộ như hiện tại".
Liên quan đến Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, dự thảo luật đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và nâng cao hiệu quả trong quản lý. Việc "1 luật sửa 7 luật" một lúc cũng đảm bảo việc áp dụng đồng bộ, thống nhất giữa các luật. Tránh tình trạng sửa xong luật này thì lại vướng luật kia.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV dự kiến sẽ xem xét thông qua dự án “1 luật sửa luật” liên quan đến lĩnh vực tài chính. Ảnh minh họa.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã khẩn trương rà soát, đánh giá 7 luật liên quan đến lĩnh vực tài chính mà còn phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Lựa chọn một số vấn đề lớn, mang tính cấp bách để đề xuất sửa đổi vào trong một dự án luật, với kỳ vọng nhanh chóng tháo gỡ được các "điểm nghẽn" của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Đức Chi - Thứ trưởng Bộ Tài chính nhận định: "Tháo gỡ được vướng mắc, những điểm nghẽn trong thể chế, tức chúng ta giải quyết được "điểm nghẽn của điểm nghẽn". "1 luật sửa 7 luật" trong lĩnh vực tài chính, tập trung vào vấn đề thực tế đòi hỏi yêu cầu, trên cơ sở đó nếu được Quốc hội phê duyệt kỳ này thì chúng tôi tin tưởng nó sẽ giải phóng được nguồn lực, tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi để đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội".
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, việc xây dựng dự thảo "1 luật sửa 7 luật" cũng tuân thủ nguyên tắc chỉ đạo của Chính phủ là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng cấp. Xóa bỏ cơ chế xin cho, đáp ứng mong muốn của người dân và doanh nghiệp về giảm thủ tục hành chính, chống phiền hà, sách nhiễu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!