Chỉ chưa đầy hai năm sau ngày Đà Nẵng giải phòng, từ bộn bề hậu quả của cuộc chiến tranh, bắt đầu từ con số không, ngày 14/2/1977, chương trình truyền hình đầu tiên của Đài Truyền hình Đà Nẵng chính thức ra mắt khán giả Quảng Nam - Đà Nẵng.
40 năm đã qua, Đài Truyền hình Đà Nẵng nay là Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng - VTV Đà Nẵng đã có những bước đi dài. Ngoài trang thiết bị hiện đại, đồng bộ hiện nay, VTV Đà Nẵng còn có một đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên vững vàng về bản lĩnh chính trị và chuyên môn nghề nghiệp. Với tinh thần nhiệt tình, hăng say cống hiến, những người làm truyền hình ở VTV Đà Nẵng từng bước xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp và chuyên môn hóa cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành truyền hình trong tình hình mới.
Trước năm 1975, tuy là thành phố lớn thứ hai ở miền Nam nhưng Đà Nẵng không có Đài Truyền hình. Cả miền Nam lúc ấy chỉ có 5 Đài Truyền hình ở Sài Gòn, Cần Thơ, Nha Trang, Quy Nhơn và Huế. Người dân Quảng Nam - Đà Nẵng chỉ được xem Đài Truyền hình Huế thông qua trạm phát lại đặt trên đình đèo Hải Vân. Nhận thấy tầm quan trọng của vị trí chiến lược về quốc phòng, kinh tế và sự phát triển của thành phố Đà Nẵng trong tương lai nên ngay từ năm đầu giải phóng, ông Võ Chí Công, lúc bấy giờ là Bí thư khu ủy khu V và ông Hồ Nghinh, Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng thời điểm ấy đã nêu quyết tâm phải xây dựng bằng được một Đài Truyền hình ngay tại thành phố Đà Nẵng.
Để có được buổi phát hình vào ngày 14/2/1977 là cả một sự chuẩn bị kỳ công và sự hỗ trợ hiệu quả, tận tình của các cán bộ, nhân viên, kỹ thuật viên của Đài Truyền hình Giải phóng, nay là Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh từ gần một năm trước. Thực hiện quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, chỉ trong một thời gian ngắn, trạm phát sóng trên đỉnh đèo Hải Vân đã được chuyển lên núi Sơn Trà, nhiều máy móc thiết bị chuyên dụng của Đài Truyền hình Giải phóng cũng được chuyển ra hỗ trợ cho Đà Nẵng. Đội ngũ cán bộ chủ chốt và phóng viên, biên tập, quay phim của Đài chủ yếu từ miền Bắc và khu 5 chuyển về. Các kỹ thuật viên được tuyển mới đã được đưa vào Đài Truyền hình Giải phóng học nghề, học việc.
Kể từ buổi phát hình đầu tiên 14/2, trong suốt 40 năm qua, người dân Quảng Nam - Đà Nẵng và một phần Quảng Ngãi có thêm một kênh thông tin chính thống, tin cậy góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân địa phương. Thông qua làn sóng truyền hình Đà Nẵng, hình ảnh người dân tay cuốc tay cày quyết tâm xây dựng cuộc sống mới đã đến hầu khắp các địa phương trong tỉnh, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần người dân hăng say lao động, sản xuất, nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng quê hương.
Những ngày đầu khó khăn thiếu thốn, cả Đài chỉ có hai camera, hai máy VTR ghi hình, hai máy telecine và máy chiếu. Thế nhưng với tinh thần vượt khó và sáng tạo của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên và kỹ thuật, Đài vẫn duy trì phát sóng tuần 3 buổi tối, mỗi buổi 3 tiếng, sau đó nâng lên tất cả các buổi tối trong tuần với đầy đủ các mục Thời sự, Bông hoa nhỏ, Văn nghệ và phim truyện… Trong những năm đầu sau ngày giải phóng, hệ thống thông tin, báo chí còn nhiều thiếu thốn, Đài truyền hình Đà Nẵng đã thực sự trở thành người bạn tinh thần thân thiết của người dân Quảng Nam – Đà Nẵng.
Đến tháng 7/1977, Đài Truyền hình Đà Nẵng được chuyển về Ủy ban phát thanh Truyền hình. Từ đó Đài nhận được nhiều sự đầu tư hơn về trang thiết bị, phương tiện. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên, quay phim, kỹ thuật cũng được bổ sung từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành truyền hình. Trong điều kiện nền kinh tế bao cấp thiếu thốn mọi bề, những người làm truyền hình Đà Nẵng đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn, kịp thời có mặt ở mặt ở những sự kiện quan trọng để mang những hình ảnh nóng nhất, trung thực nhất đến với người dân Quảng Nam - Đà Nẵng và khu vực miền Trung. Để có vài tiếng đồng hồ chương trình sản xuất phát sóng hàng đêm, đội ngũ phóng viên biên tập, quay phim đã không quản ngại đường sá ngập nghềnh, xa xôi đạp xe và thậm chí là đi bộ đến hầu khắp các địa bàn của các tỉnh trong khu vực để lấy tin, thực hiện phóng sự phản ánh về cuộc sống đang thay da đổi thịt từng ngày trên mảnh đất từng chịu nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh.
Sau một thời gian phát sóng ở Sơn Trà, do điều kiện thời tiết không thuận lợi, việc đi lại khó khăn, nhất là phương thức "truyền tín hiệu" từ Đà Nẵng lên Sơn Trà lạc hậu bằng cách cầm băng thành phẩm trực tiếp đi lên trạm để phát sóng, vì vậy đến năm 1991 máy phát sóng được chuyển về lại thành phố Đà Nẵng. Mặc dù việc phát sóng thuận lợi nhưng do bị hạn chế về độ cao nên diện phủ sóng của Đài bị thu hẹp, để khắc phục trình trạng này, Đài đã lắp đặt trạm chuyển tiếp tín hiệu tại Tam Kỳ và một số huyện miền núi để phục vụ cho đồng bào. Đến năm 1997, khi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được chia tách thành hai đơn vị hành chính, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Quảng Nam ra đời đáp ứng được yêu cầu thông tin cho người dân Quảng Nam thì Đài mới ngừng việc chuyển tiếp tiếp tín hiệu tại Quảng Nam. Sóng của Đài Truyền hình Đà Nẵng ngày càng vươn rộng thì bước chân những người phóng viên ngày càng đi xa hơn đến những vùng đất mới. Không chỉ phản ánh cuộc sống của người dân Quảng Nam, Đà Nẵng, Đài Truyền hình Đà Nẵng đã mở rộng địa bàn phản ánh đến các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và các tỉnh Tây Nguyên.
Thông qua làn sóng Đài Truyền hình Đà Nẵng, cuộc sống muôn màu muôn vẻ trong khu vực đã được khắc họa một cách sinh động đến với người xem, góp phần động viên tinh thần hăng say lao động sản xuất của các tầng lớp nhân dân. Hàng đêm, sau một ngày lao động mệt nhọc, người dân quây quần bên chiếc ti vi xem các chương trình thời sự, ca nhạc, phim truyện bao mệt mỏi dường như tan biến.
Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, cùng với sự đổi mới tư duy của Đảng ta, đội ngũ những người làm báo hình Truyền hình Đà Nẵng đã kịp thời nắm bắt các tư tưởng chỉ đạo để từng bước thay đổi phương thức, tư duy làm báo từ tuyên truyền một chiều thành kênh thông tin hai chiều, đúng nghĩa vừa là tiếng nói của Đảng bộ và chính quyền của các địa phương trong khu vực vừa là diễn đàn phản ánh tâm tư nguyện vọng của người dân. Qua làn sóng truyền hình, người dân nắm bắt được các chủ trương, chính sách mới của Đảng và chính quyền, được xem hình ảnh của mình trên ti vi. Thông qua các chương trình truyền hình, tâm tư nguyện vọng và đề đạt của người dân cũng được chuyển tải một cách rõ ràng, cụ thể và trung thực đến các cấp lãnh đạo địa phương. Điều ấy càng làm cho khán giả thêm tin yêu Đài Truyền hình Đà Nẵng, các cấp lãnh đạo cũng xem Đài Truyền hình Đà Nẵng như một kênh thông tin phản ánh trung thực, sinh động nguyện vọng và cuộc sống người dân. Từ đó để đưa ra những chủ trương, chỉ đạo phù hợp, kịp thời…
Đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành truyền hình, theo quy hoạch của Chính phủ, từ năm 1994, Đài Truyền hình Đà Nẵng chính thức chuyển về Đài Truyền hình Việt Nam và đến năm 2003 được đổi tên thành Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Đà Nẵng, còn gọi là VTV Đà Nẵng. Có thể nói đây là thời điểm mở đầu cho sự phát triển vượt bậc của Đài Truyền hình Đà Nẵng trong quá trình xây dựng và trưởng thành. Từ khi trực thuộc Đài Truyền hình Việt Nam, VTV Đà Nẵng đã được Đài Truyền hình Việt Nam đầu tư nhiều trang thiết bị, phương tiện hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh chóng của ngành truyền hình trong thời đại công nghệ số. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên cũng ngày càng được bổ sung về số lượng và chất lượng chuyên môn. VTV Đà Nẵng đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông tin và các kỹ thuật hiện đại vào quá trình sản xuất, nhờ vậy chất lượng nội dung và hình ảnh ngày càng nâng cao, theo kịp nhịp phát triển nhanh chóng của Đài Truyền hình Việt Nam.
Năm 1999, VTV Đà Nẵng chính thức mở Văn phòng thường trú tại Gia Lai, sau đó Văn phòng thường trú tại Buôn mê Thuột cũng được đầu tư xây dựng. Từ đây, vùng đất Tây Nguyên được khai mở với tần suất xuất hiện trên sóng truyền hình khu vực và truyền hình quốc gia ngày càng dày hơn. Đặc biệt từ năm 1996, khi hệ thống cáp quang cho phép truyền hình ảnh trực tiếp từ Đà Nẵng, Tây Nguyên ra Hà Nội thì vùng đất, con người miền Trung – Tây Nguyên càng được phản ánh rõ nét và nhanh chóng hơn đến người xem cả nước thông qua các bản tin thời sự và các chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Đài Truyền hình Việt Nam, đội ngũ những người làm báo hình ở VTV Đà Nẵng cũng ngày càng tiếp cận với phong cách làm truyền hình chuyên nghiệp, bài bản. Các bản tin Thời sự được phát sóng trực tiếp mang hơi thở nóng hổi của hiện thực đời sống, cập nhật nhanh chóng, kịp thời các sự kiện quan trọng, các sự kiện được dư luận quan tâm trên địa bàn. Không chỉ đưa tin phản ánh, các phóng sự còn đi sâu vào phân tích mổ xẻ đánh giá sự kiện nhằm giúp cho khán giả có cái nhìn sâu hơn, đa chiều hơn về sự kiện đó. Các chuyên mục "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh", "Cùng chúng tôi đối thoại", "Vì An ninh Tổ quốc", "Lực lượng vũ trang quân khu V" luôn được khán giả tin tưởng, đánh giá cao…
Phóng viên thời sự luôn có mặt ở các điểm nóng, các sự kiện thiên tai để kịp thời thông tin về diễn biến, tình hình bão lũ ở miền Trung - Tây Nguyên cho khán giả cả nước. Khán giả cả nước hẳn còn nhớ, năm 2006, khi cơn bão Xangsane đổ bộ vào Đà Nẵng, nhờ những hình ảnh hình truyền hình trực tiếp từ tâm bão, khán giả cả nước được tận mắt chứng kiến mức độ khủng khiếp của cơn bão này. Đồng thời những phóng sự, tin bài kịp thời về công tác khắc phục hậu quả cơn bão đã giúp khán giả cả nước biết rõ hơn về tinh thần vượt khó của người dân miền Trung và tình cảm của người dân cả nước dành cho đồng bào bị thiên tai. Phóng viên thời sự của VTV Đà Nẵng cũng đã có mặt ở Trường Sa, ở các hải đảo xa xôi để dưa những hình ảnh sinh động chân thực về cuộc sống và sự hy sinh thầm lặng của bộ đội ta ở các đảo xã đến đồng bào cả nước. Trong sự kiện giàn khoan Hải dương 891 xâm nhập trái phép vùng đặc quyền kinh tế nước ta, phóng viên thời sự VTV Đà Nẵng đã liên tục có mặt trên các tàu kiểm ngư, cảnh sát biển của ta sát cánh cùng các lượng lượng đấu tranh không ngừng nghỉ với kẻ địch.
Được đánh giá là thế mạnh của VTV Đà Nẵng, mảng phim Tài liệu Phóng sự mang đến cho người xem một cách nhìn sâu lắng hơn về vùng đất và người miền Trung - Tây Nguyên. Ngoài những phim tài liệu, phóng sự đơn lẻ ghi được dấu ấn trong lòng khán giả và dành được các giải cao tại Liên hoàn Truyền hình toàn quốc, giải báo chi quốc gia và thành phố VTV Đà Nẵng, VTV Đà Nẵng còn sản xuất một số seri phim tài liệu và ký sự được khán giả đánh giá cao. Đã gần mười năm trôi qua, người xem vẫn chưa thể quên seri phim tài liệu "Tây Nguyên - miền mơ tưởng". Qua seri phim này, những nét đặc sắc văn hóa, thổ nhưỡng, phong tục tập quán của người dân Tây Nguyên được thể hiện một cách sinh động, hấp dẫn và chân thực, từ đó giúp cho người xem nâng cao lòng tự hào về sự đa dạng, phong phú của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, góp phần bồi đắp tình yêu quê hương đất nước. Qua các phim được công chiếu, những đạo diễn như Đoàn Huy Giao, Vũ Quỳnh, Xuân Hùng, Đoàn Lê, Hoàn Tùng, Mộng Thu đã trở nên quen thuộc trong làng phim Tài liệu Việt Nam
Năm 2015, VTV Đà Nẵng đã thực hiện thành công seri ký sự "Dọc theo chiều dài đất nước". Ký sự đã đem đến cho người xem cái nhìn toàn cảnh về những vùng đất biên cương của Tổ quốc trải dài từ địa đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau. Ngoài ghi lại cuộc sống đang đổi thay từng ngày của người dân khu vực biên giới, ký sự cũng đã phản ánh về những hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ biên phòng không quản ngại ngày đêm vững bước tuần tra để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ Quốc. Ký sự này đã được khán giả cả nước đánh giá cao và mang về nhiều phần thưởng quý của của Chính phủ, của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh biên phòng cho các tác giả và đoàn làm phim.
Mảng đề tài khoa học giáo dục, văn hóa xã hội cũng được VTV Đà Nẵng khai thác một cách hiệu quả. Có lợi thế, "đứng chân" trên địa bàn có nhiều di sản văn hóa thế giới, là nơi giao thoa văn hóa Việt - Chăm pa và vùng đất Tây Nguyên có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên nơi đây có nhiều nét văn hóa, phong tục tập quán mang tính dặc trưng. Đó là chất liệu vô cùng phong phú cho những người làm phim của VTV Đà Nẵng. Vì vậy các chương trình giới thiệu về vùng đất văn hóa và con người miền Trung thông qua các Tạp chí Du lịch, Tạp chí Vì cuộc sống, Dân ca nhạc cổ, Văn học nghệ thuật, ca nhạc luôn được người xem yêu thích và đánh giá cao. Ngoài sản xuất các tin, bài phóng sự, VTV Đà Nẵng còn tham gia truyền hình trực tiếp nhiều chương trình lớn ở khu vực như "Liên hoàn Càphê Buôn Mê Thuột", "Liên hoan cồng chiêng Tây Nguyên", "Quảng Nam - Festival hành trình di sản", "Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng", các giải bóng đá, giải thể thao trên địa bàn
VTV Đà Nẵng cũng đứng ra tổ chức thành công các chương trình "Dân ca dân vũ", "Robocon" khu vực và tham gia tổ chức chương trình "Sao Mai" khu vực miền Trung - Tây Nguyên, "Robocon" quốc gia và "Robocon" quốc tế (2013), Liên hoàn Truyền hình toàn quốc lần thứ 30… được Đài Truyền hình Việt Nam đánh giá cao
Trước năm 2015, ngoài sản xuất các chương trình truyền hình, VTV Đà Nẵng còn đảm nhận nhiệm vụ phát sóng khu vực và tiếp phát các kênh của VTV. Trong suốt thời gian này, mặc dù một số trang thiết bị đã qua nhiều năm sử dụng nên đã có dấu hiệu xuống cấp, phát sinh nhiều hư hỏng, kinh phí để mua vật tư linh kiện dự phòng không nhiều nhưng đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên của VTV Đà Nẵng vẫn luôn khắc phục khó khăn, kịp thời sửa chữa và bảo dưỡng cho các hệ thống máy phát nên VTV Đà Nẵng vẫn luôn đảm bảo an toàn phát sóng dù ở phát tại thành phố Đà Nẵng hay đỉnh Sơn Trà.
Năm 2016, thực hiện đề án cơ cấu hệ thống truyền hình, từ ngày 1/1/2016, VTV Đà Nẵng ngưng phát sóng khu vực và cùng với VTV Huế, VTV Phú Yên sản xuất chương trình cho kênh truyền hình quốc gia VTV8. Có thể nói đây là một trang mới được mở ra cho VTV Đà Nẵng. Tuy không phát sóng khu vực, nhưng VTV Đà Nẵng vẫn được chọn là nơi đặt Tổng khống chế của kênh VTV8. Thực hiện chủ trương này, chỉ trong một thời gian ngắn, VTV Đà Nẵng đã nhanh chóng sắp xếp lại bộ máy tổ chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Ngoài việc đảm bảo kỹ thuật cho việc phát sóng trực tiếp các bản tin thời sự kênh VTV8, Trung tâm cũng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tổng khổng chế phát sóng 18 giờ mỗi ngày. Nhờ sự đầu tư đồng bộ và có tầm nhìn từ trước nên khi đảm nhận nhiệm vụ phát sóng kênh VTV8, VTV Đà Nẵng không phải đầu tư bổ sung trang thiết bị nhiều mà vẫn đáp úng được yêu cầu sản xuất và phát sóng HD theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của Đài Truyền hình Việt Nam
Trở thành một đơn vị sản xuất chương trình cho kênh truyền hình quốc gia VTV8, đội ngũ phóng viên biên tập, quay phim, kỹ thuật viên của VTV Đà Nẵng không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới phong cách làm việc theo hướng chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh chóng của ngành truyền hình trong xu thế có sự cạnh tranh gay gắt của rất nhiều loại hình truyền thông đa phương tiện. Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, tập trung nâng cao chất lượng công tác biên tập, góp phần nâng cao chất lượng chương trình phát sóng, góp phần nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền.
Bên cạnh các chương trình mang tính tuyên truyền, chính luận, VTV Đà Nẵng tiếp tục sản xuất các các chương trình xã hội hóa như "Nâng cánh ước mơ", "Đằng sau những cung đường", "Tâm sáng vươn xa" mang lại hiệu quả tốt góp phần giảm chi phí sản xuất. Thông qua các chương trình này, Trung tâm đã làm cầu nối để các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ, giúp đỡ nhiều cá nhân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Không chỉ sản xuất, phát sóng đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị, các chương trình của VTV Đà Nẵng còn tạo nên sự tăng trưởng vượt bậc về nguồn thu quảng cáo, dịch vụ. Mặc dù từ năm 2010 đến nay, nền kinh tế cả nước có tốc độ tăng trưởng chậm lại nhưng nguồn thu của VTV Đà Nẵng vẫn không ngừng tăng lên với mức bình quân khoảng 20%/ năm. Năm 2016, doanh thu Trung tâm đã đạt trên 130 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 5 trước đó, tỷ lệ chênh lệch thu chi dương trên 21 tỷ đồng. Chính điều này cũng đã góp phần giảm bớt áp lực tài chính cho toàn hệ thống đồng thời góp phần nâng cao thu nhập chính đáng cho viên chức, người lao động của Trung tâm. Là một đơn vị sự nghiệp của Đài Truyền hình Việt Nam, VTV Đà Nẵng luôn chú trọng công tác xây dựng phát triển Đảng, đến nay Đảng bộ Trung tâm đã có gần 100 đảng viên. Nhiều năm liền Đảng bộ Trung tâm đều được công nhận là đảng bộ Trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Các tổ chức Công Đoàn, Đoàn Thanh niên, Chi Hội Nhà báo cũng được quan tâm phát triển. Từ khoảng hơn 10 người trong buổi phát hình đầu tiên, đến nay VTV Đà Nẵng có đội ngũ gần 200 người. Hiện nay có một số bộ phận được chuyển về các Trung tâm, các Ban của Đài Truyền hình Việt Nam hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ mới nhưng trong công việc, trong tình cảm họ vẫn xem như là người một nhà của VTV Đà Nẵng. Chính sự yêu thương, đoàn kết gắn bó đó đã tạo nên sức mạnh cho VTV Đà Nẵng cũng như kênh truyền hình quốc gia VTV8.
Năm 2017 này, VTV Đà Nẵng được giao nhiệm vụ tổ chức sản xuất, phát sóng các bản tin thời sự VTV8, với kinh nghiệm đã tích lũy được, đội ngũ những người làm báo hình VTV Đà Nẵng tiếp tục nỗ lực hết mình để đem đếm khán giả khu vực và cả nước những thông tin nóng hổi nhất, chính xác khách quan nhất, xứng đáng là kênh thông tin chính thống của Đảng và nhà nước, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân.
Bốn mươi năm cánh sóng VTV Đà Nẵng tuy dừng lại nhưng bước chân của những phóng viên, biên tập viên, quay phim của VTV Đà Nẵng vẫn không ngừng nghỉ, họ vẫn bước miệt mài trên con đường phía trước cùng với sự phát triển của Truyền hình Việt Nam, cùng với sự phát triển của VTV8.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!