Ông Malcolm Love đã có nhiều chia sẻ sâu sắc về những khó khăn và kinh nghiệm của vấn đề truyền thông khoa học
Ngày 9/4, Liên Chi hội Nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp cùng Ban Thanh Thiếu niên (VTV6) và Hội đồng Anh đã tổ chức Hội thảo giới thiệu về truyền thông khoa học với sự tham gia của diễn giả nổi tiếng Malcolm Love cùng đông đảo các PV, BTV của Đài Truyền hình Việt Nam.
Ông Malcolm Love từng là nhà báo, nhà sản xuất truyền hình kiêm dẫn chương trình truyền hình giàu kinh nghiệm của Đài Truyền hình BBC, Vương quốc Anh. Ông cũng là chuyên gia về kết nối khoa học học với công chúng với hơn 13 năm kinh nghiệm giảng dạy truyền thông khoa học tại trường Đại học Birkbeck College, London.
Hiện nay, ông là giảng viên cấp cao của FameLab - cuộc thi thuyết trình sáng tạo dành cho người yêu khoa học và nghiên cứu khoa học, đã có mặt tại hơn 25 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tại buổi hội thảo, diễn giả Malcolm Love đã giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm về “truyền thông khoa học” (science communication), xu hướng và sự phát triển của truyền thông khoa học tại Vương quốc Anh và thế giới cũng như sự liên hệ giữa khoa học và giới truyền thông.
Hiện nay, hoạt động truyền thông khoa học vẫn chưa thực sự hiệu quả bởi giới khoa học và báo chí đều thiếu sự hiểu biết về nhau. Vì vậy, giới truyền thông cần phải thay đổi suy nghĩ cố hữu về khoa học và ngược lại. Lợi ích khoa học mang lại đối với cuộc sống thật sự không thể phủ nhận. Hơn nữa, khoa học còn là một phần của nền văn hóa của một quốc gia. Tuy nhiên, làm sao để mọi người có thể dành sự quan tâm đối với khoa học khi những vấn đề như vậy thường bị đánh giá là khô khan và nhàm chán?
Theo ông Malcolm Love, có không ít những khác biệt giữa giới khoa học và truyền thông
Để giải đáp câu hỏi trên, diễn giả Malcolm Love đã trình bày về những sự khác biệt giữa thế giới khoa học và thế giới truyền thông. Trên thực tế, các nhà khoa học chưa hiểu đúng về những gì khán giả cần, làm thế nào để thu hút sự quan tâm của khán giả. Do đó, báo giới cần có trách nhiệm hơn trong việc định hướng nội dung các chương trình về khoa học.
Ngoài ra, trong khi khán giả và giới truyền thông cần sự chính xác tuyệt đối với những thông tin khoa học thì giới nghiên cứu thường chỉ đưa những con số thống kê và xác suất. Hơn nữa, ngôn ngữ kỹ thuật trong một số lĩnh vực khó cũng góp phần cản trở hoạt động truyền thông khoa học.
Theo BTV Nguyễn Đăng Bền - Ban Khoa giáo, không hề có mâu thuẫn, bất đồng giữa truyền thông và khoa học. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học thường nghiên cứu về những vấn đề quá xa xôi, thiếu tính thực tế. Trong khi đó, giới truyền thông mong muốn tìm kiếm các chương trình thu hút độc giả và nguồn tài chính. Khác biệt ở đây chính là vấn đề về lợi ích. Thực tế, đã có nhiều nghiên cứu khoa học được giới truyền thông quan tâm và thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả.
Ông Malcolm Love cũng trình bày một số kinh nghiệm về truyền thông khoa học tại Anh quốc. Đài BBC là một trong những kênh truyền thông đi đầu trong vấn đề truyền thông khoa học với những khoản đầu tư khổng lồ dành cho mảng đề tài này. Chính phủ Anh cũng đã thành lập một trung tâm truyền thông khoa học. Các nhà khoa học được đào tạo về truyền thông ngay từ cách trả lời phỏng vấn. Bên cạnh đó, các kênh truyền hình nổi tiếng như BBC, iTV sẽ liên hệ trực tiếp với những học giả này để làm chương trình.
Cuộc thi FameLab hiện là hoạt động truyền thông khoa học có quy mô hàng đầu thế giới. Ở Thổ Nhĩ Kỳ hay Serbia, FameLab đã trở thành một chương trình truyền hình thường niên và thu hút hàng triệu khán giả theo dõi.
Theo ý kiến của ông Malcom Love, tuy Việt Nam chưa có những nhà khoa học chuyên về truyền thông nhưng những học giả quan tâm có thể hợp tác và gửi những ý tưởng đến cho giới truyền thông. Việt Nam có thể tổ chức các cuộc thi, các cuộc hội thảo dành cho các nhà khoa học nhằm chọn ra những đề tài hấp dẫn để xây dựng chương trình truyền hình về khoa học. Còn Đài Truyền hình Việt Nam nói riêng cũng có thể mời những nhà khoa học trẻ đến thực tập để họ biết được chương trình truyền hình thực sự cần gì. Bên cạnh đó, các nhà khoa học nên vượt qua những khoảng cách để kết nối với báo giới trong khi truyền thông cần có thái độ cởi mở hơn với các nhà khoa học.
Phát biểu kết thúc buổi hội thảo, nhà báo Nguyễn Đức Hòa - Phó Trưởng ban Thanh Thiếu niên (VTV6) - cho biết, tại Việt Nam, các chương trình khoa học chủ yếu xoay quanh về nông nghiệp nhưng các phát minh công nghệ thông minh cũng được phản ánh hết sức phổ biến trên truyền hình.
Song, những chương trình này có hạn chế nhất định do truyền thông và khoa học không có chung ngôn ngữ nên các BTV chưa thể diễn đạt như những người làm khoa học mong muốn. Do đó, chúng ta cần tìm các nhà khoa học có nguyện vọng làm truyền thông và VTV sẽ cố gắng để thực hiện hoạt động truyền thông khoa học tốt hơn trong tương lai.
Một số hình ảnh của buổi hội thảo về truyền thông khoa học do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức:
Buổi hội thảo thu hút sự quan tâm của rất nhiều các PV, BTV của Đài Truyền hình Việt Nam
Diễn giả Malcom Love thuyết trình với sự hỗ trợ của phiên dịch viên Tú Anh
Nhà báo Nguyễn Đức Hòa - Phó Trưởng ban Thanh Thiếu niên (VTV6) phát biểu tại buổi buổi hội thảo
Nhà báo Nguyễn Đức Hòa trao quà kỷ niệm cho diễn giả Malcom Love
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.