PTL Âm vang Điện Biên Phủ - Không chỉ tái hiện những năm tháng hào hùng

Nguyên Trang-Thứ hai, ngày 21/04/2014 17:50 GMT+7

13 tập phim tài liệu Âm vang Điện Biên Phủ không chỉ tái hiện những năm tháng hào hùng của chiến dịch mà còn đi sâu phân tích ý nghĩa của thắng lợi vĩ đại này.

Đi tìm những chứng nhân lịch sử

Đông Dương: Miền đất và con người, 1856 - 1956 là triển lãm thu hút đông đảo người Pháp và khách du lịch quốc tế khi tới thăm Paris.

Triển lãm không chỉ giới thiệu hình ảnh những người lính và sĩ quan viễn chinh, các nhà dân tộc học, địa lí học Pháp, mà cả các chiến binh Đông Dương chiến đấu chống quân Pháp.

Cuối cùng, những người lính Việt Minh đã đè bẹp lực lượng Pháp vào tháng 5/1954 trong trận đánh Điện Biên Phủ. Vì sao, sau 60 năm, Điện Biên Phủ vẫn còn được quan tâm đặc biệt như thế?

Từ một số hình ảnh tư liệu của triển lãm, Trung tâm Phim tài liệu và Phóng sự - Đài THVN đã quyết định thực hiện PTL Âm vang Điện Biên Phủnhằm góp thêm một số lí giải về sự kiện vĩ đại này.

Bên cạnh việc tìm kiếm tư liệu, các nhà làm phim đã dành nhiều thời gian và công sức lớn để gặp gỡ, trao đổi với các chứng nhân lịch sử nhằm giúp khán giả có được cái nhìn chân thực nhất về các sự kiện trong quá khứ.

Giai đoạn đầy khó khăn gian khổ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn non trẻ đã được tái hiện phần nào thông qua lời kể của ông Đặng Văn Tích - người hiện đang lưu giữ hơn 300 bức ảnh về các chiến sĩ Thủ đô, từ ngày bắt đầu kháng chiến tới khi kéo quân lên căn cứ Điện Biên....

Ông Tích cũng là người đã tham gia toàn quốc kháng chiến bảo vệ Thủ đô và một số chiến dịch trước khi chiến đấu tại Điện Biên Phủ.

Tiếp đó, những sự kiện tiêu biểu trong chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, đặc biệt là cuộc rút quân thần kì, bảo toàn lực lượng từ Hà Nội lên Thủ đô kháng chiến Việt Bắc được tái hiện qua lời kể của Đại tá cựu chiến binh Nguyễn Trọng Hàm.

Và qua lời kể của những cựu chiến binh: Nguyễn Hữu Chấp, Nguyễn Xuân Trường, Hoàng Đăng Vinh..., các giai đoạn quan trọng của chiến dịch Điện Biên lần lượt được tái hiện sinh động trongÂm vang Điện BiênPhủ, đưa khán giả trở lại thời khắc hào hùng của lịch sử.

Thông qua những nhân vật người Pháp như: Raymondie và những Việt kiều Pháp như: Nguyễn Văn Ổn – Chủ tịch Hội người Việt tại Pháp, bộ phim cũng đề cập tới phong trào ủng hộ Việt Nam, phản đối chiến tranh tại Pháp trong những năm tháng của cuộc kháng chiến.

Làm sống lại những năm tháng hào hùng...

Nhằm giúp khán giả có cái nhìn đầy đủ và toàn diện về chiến dịch Điện Biên, những người thực hiện phim tài liệu Âm vang Điện Biên Phủ đã tái hiện trong 13 tập phim nhiều dấu mốc lịch sử quan trọng.

Trước hết là sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự kiện Việt Nam giành chính quyền, tuyên bố Độc lập vào ngày 2/9/1945.

Sau ngày thành lập, Việt Nam đã phát động hàng loạt phong trào kháng chiến, kiến quốc, tạo ra các mặt trận ngoại giao, kìm hãm chiến tranh, kéo dài hòa hoãn, củng cố lực lượng. Nhưng phía Pháp vẫn nhăm nhe quay lại miền Bắc Việt Nam để thực hiện bằng được âm mưu của mình.

Sau Hiệp ước sơ bộ và Tạm ước 14/9/1946, Việt Nam rơi vào thế kìm kẹp của Pháp – Anh – Trung Quốc. Vì thế, các chiến dịch: Việt Bắc Thu - Đông 1947, Biên giới Thu - Đông 1950, Đường số 18, Hòa Bình, Tây Bắc, mặt trận Bình Trị Thiên, Thượng Lào, Đông Bắc Campuchia…, đã giáng những đòn chí tử vào quân địch.

Dấu mốc mùa Xuân 1953-1954 được nhắc đến như một tiền đề vô cùng quan trọng để Đảng CSVN đưa ra quyết định chiến lược cuối cùng với Pháp tại cứ điểm Điện Biên Phủ... Trận quyết chiến lịch sử Điện Biên Phủ đã đi vào sử sách như một trong những chiến thắng vang dội nhất của dân tộc Việt Nam.

Sau 55 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, bắn rơi 62 máy bay. Các nhà làm phim đã dành hẳn một tập để kể về câu chuyện những chiếc xe thồ.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng bào các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 đã sử dụng tới gần 21.000 xe đạp thồ và hàng chục nghìn phương tiện vận chuyển thô sơ.

"Xe thồ Điện Biên" là một kì tích trong lịch sử kháng chiến của cách mạng Việt Nam nói chung và nhân dân Thanh Hóa nói riêng. Qua hình ảnh “chiếc xe thồ Điện Biên” các nhà làm phim một lần nữa muốn nhấn mạnh ý nghĩa cuộc chiến tranh nhân dân của ta.

Khi quá khứ được kết nối với hiện tại

Với tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử to lớn, hơn nửa thế kỉ qua, chiến thắng Điện Biên Phủ đã thu hút sự quan tâm nghiên cứu của các nhà quân sự, các nhà lãnh đạo, tướng lĩnh của nhiều nước trên thế giới, kể cả các tướng lĩnh Pháp đã trực tiếp tham chiến trên chiến trường Đông Dương thời kì này.

Một trong những cái tên được nhiều người chú ý là Pierre Journoud. Cuốn sách Tướng De Gaulle và Việt Nam (1945-1969) cũng chính là đề tài nghiên cứu sinh của nhà nghiên cứu lịch sử và quốc phòng trẻ người Pháp này.

Trước đó, ông từng viết cuốn Lên tiếng về Điện Biên Phủ, chứng từ của những người còn sống cũng gây tiếng vang. Ngoài ra, không thể không nhắc tới bộ phim tài liệu của Đạo diễn nổi tiếng người Pháp Daniel Roussel, với tựa đề Điện Biên Phủ -cuộc chiến giữa Hổ và Voi.

‘ PTL Âm vang Điện Biên Phủ tiếp tục khẳng định tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ với bạn bè quốc tế.

Đây không chỉ là một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” buộc Pháp phải kí Hiệp định Genève tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam mà còn là mốc son đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn bán đảo Đông Dương, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước Á, Phi, và Mĩ Latin.


TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước